HQH

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường ngày 27/5.

Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội sáng 27/5 về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Hàng nghìn dự án điều chỉnh quy hoạch

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu lên một số vấn đề cần được quan tâm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai.

Trong đó, về giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách, đại biểu cho rằng việc giá đất không sát với thị trường đã làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách. Khung giá đất cần được điều chỉnh kịp thời theo sát diễn biến của thị trường, đồng thời cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất, giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.

Về quản lý đất đai ở đô thị, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các dự án không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam về bố trí đất cho giáo dục, y tế, bãi đỗ xe, cây xanh, giao thông nội bộ…; các dự án không tuân thủ giấy phép xây dựng, các quy định về phòng cháy chữa cháy… không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với người dân mua nhà, đất, căn hộ để yêu cầu chủ đầu tư có phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân. "Đây là vấn đề rất bức xúc, tại nhiều chung cư người dân tập trung đông người, treo băng rôn khẩu hiệu để đòi quyền lợi, như tại tòa nhà Kinh Đô, ngõ 102 Trường Chinh (Hà Nội) từ năm 2017 đến nay người dân nhiều lần tập trung phản đối nhà đầu tư, khẩu hiệu, băng rôn giăng kín mặt tiền tòa nhà, kéo dài, chưa chấm dứt" - đại biểu cho biết.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo để xử lý dứt điểm đảm bảo quyền lợi cho người dân; đối với những vùng đất qui hoạch cho lâu dài, chưa thực hiện dự án ngay được, thì cần di dời người dân để tạo quĩ đất sạch hoặc phải có chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo nhà, về tách hộ, …

Cùng vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng chất lượng quy hoạch đô thị thời gian qua còn thấp, vẫn hiển hiện quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu.

Đại biểu cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tuân theo lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như: giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh… Đồng thời, các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu thấp nhất về hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị.

"Đây là điều đáng suy nghĩ, đã và đang gây ra hệ lụy, tổn hại về kinh tế, gây bức xúc cho xã hội, cho mọi người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện… ngày càng tăng, trước mắt là thành phố lớn và sẽ là tất cả các đô thị trong tương lai" - đại biểu nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo thắt chặt quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng những hiện tượng nêu trên.

Điểm danh nhiều dự án sai phạm điển hình

Trước đó, tại báo cáo giám sát được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội, một số điển hình về vi phạm đã được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra như dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội có phần công trình cao tầng của dự án sai phạm so với giấy phép xây dựng. Một số khu vực như: Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong quy hoạch xác định là đất cây xanh, tuy nhiên hiện tồn tại các khu dân cư. Việc giao đất thực hiện dự án Khu đô thị Tràng Cát tại quận Hải An, TP. Hải Phòng chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (trên bản đồ quy hoạch sử dụng vẫn là đất nông nghiệp trong khi đó mục đích sử dụng đất của dự án là phi nông nghiệp)...

Nhiều dự án đô thị triển khai chậm tiến độ, một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ khi có điều kiện mới thực hiện hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác như dự án xây dựng trường mầm non Vạn Xuân (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Dự án Phòng khám Đa khoa và khu chăm sóc sức khỏe người già tại lô đất CC1.III.11.4 thuộc khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội); Dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng bán đảo Linh Đàm tại lô CC2 (mảnh A) tại Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Một dạng sai phạm đáng lưu ý khác là việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến. Có thể kể đến dự án tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại ô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20,33 tầng lên tối đa 40 tầng. Nhìn chung, việc xây dựng công trình cao tầng có xu hướng co cụm tập trung vào khu vực trung tâm các đô thị như tại thành phố Hà Nội, tỷ trọng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lên tới 80%.

Theo báo cáo của Chính phủ, trên cả nước có tổng cộng 4.438 dự án khu đô thị mới, nhà ở đô thị, tổng diện tích chiếm đất theo quy hoạch là 110.331ha, 3.045 dự án đang triển khai (chiếm 68,61%, diện tích đất là 79.697ha).

Nhìn chung, công tác quản lý đầu tư, phát triển đô thị mới, khu đô thị mới ngày càng được tăng cường hơn, bước đầu có sự thống nhất, đồng bộ theo quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị. Nhiều khu đô thị mới, nhiều dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, công cộng được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng khang trang, hiện đại hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân và yêu cầu phát triển đô thị.

Tuy nhiên, công tác này còn một số hạn chế, bất cập, như: quy định pháp luật chưa bao hàm hết những đặc thù của dự án phát triển đô thị (như: quy mô chiếm đất lớn, thời gian xây dựng dài, sử dụng đa nguồn vốn…), một số quy định về chỉnh trang, cải tạo đô thị, đô thị xanh, thông minh… còn thiếu và chưa cụ thể; các địa phương chậm lập chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị; một số dự án đô thị mới chưa tuân thủ quy hoạch, điều chỉnh tùy tiện, đầu tư nhà ở thương mại không đồng bộ với đầu tư hạ tầng khu đô thị và giao thông kết nối với khu vực lân cận.

H.Y