Thanh tra, kiểm tra giúp nâng cao vai trò, vị thế của kho bạc

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) luôn được coi là một trong những công cụ quản lý đắc lực của KBNN các cấp. Qua hoạt động TTKT đã phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách, chế độ hiện hành, quy trình nghiệp vụ để kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, bảo đảm an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý. Đồng thời tham mưu cho lãnh đạo KBNN các cấp trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống KBNN.

Đơn cử như trong công tác kiểm tra nội bộ, trung bình mỗi năm, toàn hệ thống KBNN thực hiện được 1.359 cuộc kiểm tra. Hàng năm, các đơn vị trong toàn hệ thống đều hoàn thành kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, hoặc khi có dấu hiệu vi phạm; công tác tự kiểm tra đã được các đơn vị chú trọng quan tâm và thực hiện thường xuyên liên tục. Với cách làm gắn trách nhiệm của cán bộ kiểm tra với việc phát hiện các sai sót, vi phạm, chất lượng các cuộc kiểm tra đã được nâng lên một cách rõ rệt. Vì thế, hầu hết các sai sót, vi phạm tại đơn vị được kiểm tra đã được phát hiện để từ đó có những biện pháp chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.

Trong công tác giám sát nội bộ, từ cuối năm 2020, KBNN đã triển khai Tiện ích tra cứu dữ liệu dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ công tác TTKT. Thông qua tiện ích này, công chức TTKT tại các đơn vị KBNN và KBNN tỉnh, thành phố được quyền tra cứu dữ liệu trên DVCTT, trường hợp phát hiện những vấn đề bất thường cảnh báo cho các đơn vị trong hệ thống KBNN, hoặc lên kế hoạch để kiểm tra định kỳ, đột xuất… KBNN đã thiết lập các tiêu chí phục vụ cho hoạt động giám sát trên tiện ích tra cứu đối với nội dung giám sát thực hiện "Tiếp nhận hồ sơ" trên DVCTT, đảm bảo không muộn hơn 8 giờ làm việc theo quy định; giám sát những hồ sơ thanh toán qua DVCTT bị trả lại nhiều lần; hồ sơ quá hạn xử lý theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN.

Công chức Kho bạc Nhà nước Bắc Giang đang thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến.          Ảnh: H.T
Công chức Kho bạc Nhà nước Bắc Giang đang thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: H.T

Ông Tuấn cũng cho biết, KBNN đã phân quyền cho KBNN cấp tỉnh chủ động giám sát việc chấp hành quy định về tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua DVCTT ngay trên tiện ích tra cứu. Đồng thời, KBNN thực hiện kết xuất dữ liệu điện tra soát thanh toán với ngân hàng, dữ liệu về sử dụng chứng thư số từ máy chủ của KBNN để phối hợp cùng KBNN cấp tỉnh giám sát từ xa việc chấp hành điện tra soát, bảo mật quản lý, sử dụng chứng thư số với mục đích chấn chỉnh lề lối làm việc và cảnh báo rủi ro có thể xảy ra tại KBNN các cấp. "Đây là cách làm mới trong hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ KBNN, đánh dấu bước khởi đầu cho mục tiêu điện tử hóa công tác TTKT" - ông Tuấn nói.

Đối với công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN), ông Tuấn cho biết, qua 6 năm triển khai thực hiện (2016 - 2022), toàn hệ thống đã triển khai gần 1.665 cuộc TTCN, ban hành 295 quyết định xử phạt với số tiền trên 1 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính trên 68 tỷ đồng. Đến nay, các cuộc TTCN đã dần được mở rộng đối tượng thực hiện đối với đơn vị lớn, phạm vi nội dung thanh tra toàn diện hơn. Qua TTCN đã nâng cao vai trò, vị trí của KBNN, đồng thời góp phần giúp các đơn vị sử dụng ngân sách ý thức được việc chi tiêu ngân sách hợp lý, đúng tiêu chuẩn, chế độ, không chi sai mục đích, không để thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách nhà nươc (NSNN), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN.

Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa công tác thanh tra kiểm tra

Mục tiêu, định hướng công tác TTKT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là nâng cao vị thế, vai trò hoạt động TTKT trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KBNN. Hiện đại hóa công tác TTKT, xây dựng hệ thống TTKT chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2030.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, ông Đinh Mạnh Tuấn cho biết, KBNN sẽ rà soát sửa đổi quy chế, quy trình kiểm tra nội bộ, đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm tra trong điều kiện các hoạt động KBNN thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT). Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá theo mức độ rủi ro đối với các đơn vị KBNN tỉnh, huyện làm cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề. Nghiên cứu, xây dựng nội dung đánh giá rủi ro cho các mặt hoạt động nghiệp vụ KBNN; thiết lập các tiêu chí cảnh báo rủi ro dựa trên ứng dụng CNTT. Gắn kết quả kiểm tra, giám sát với trách nhiệm của cá nhân, tập thể KBNN các cấp với trách nhiệm người đứng đầu KBNN các cấp.

Trong công tác TTCN, ông Tuấn cho biết, KBNN sẽ nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá theo mức độ rủi ro đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, nghiên cứu để từng bước mở rộng nội dung TTCN liên quan đến nghiệp vụ thu NSNN như: Triển khai thu phí trên các tài khoản tạm thu của các đơn vị thu phí tại ngân hàng thương mại, hoạt động quyết toán số dư ngân quỹ nhà nước cuối ngày tại hệ thống ngân hàng thương mại…

Không có đơn thư khiếu nại kéo dài, vượt cấp

Kho bạc Nhà nước cho biết, qua theo dõi tổng hợp cho thấy, việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trong toàn hệ thống phát sinh không nhiều, trung bình hàng năm cả hệ thống tiếp nhận và giải quyết khoảng 50 đơn thư, bao gồm cả đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị. Tất cả các đơn thư này đều đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không có những đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp hoặc gây bất ổn cho hệ thống. Công tác tiếp công dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại các cấp KBNN luôn được thực hiện đúng quy định.

Đặc biệt, theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN, trong thời gian tới đây, KBNN sẽ nghiên cứu nâng cấp chương trình ứng dụng phục vụ cho TTKT, đảm bảo cho việc vận hành, khai thác triệt để nguồn dữ liệu sẵn có trên các chương trình DVCTT, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), thanh toán song phương, thanh toán liên ngân hàng, phối hợp thu ngân sách tập trung (TCS)…, tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu sẵn có trên các chương trình nghiệp vụ của KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN sẽ từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang phương thức thanh tra, kiểm tra, giám sát thông qua môi trường điện tử, môi trường số và hệ thống thông tin; đẩy mạnh hoạt động giám sát, mở rộng nội dung giám sát trên các chương trình ứng dụng CNTT của KBNN.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, ngoài các giải pháp đặt ra thì yếu tố quan trọng nhất giúp hiện thực hóa các mục tiêu chính là con người. Theo đó, KBNN sẽ xây dựng đội ngũ công chức TTKT chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, có trình độ chuyên môn cao, số lượng và cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống KBNN.

“Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Cục CNTT đào tạo, tập huấn cho công chức làm công tác TTKT trong toàn hệ thống về kỹ năng khai thác, sử dụng kho thông tin, dữ liệu điện tử nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động TTKT” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Hoàn thành nhiệm vụ xác minh tài sản thu nhập

Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện việc xác minh tài sản thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nhiệm vụ này được giao cho Vụ Thanh tra - Kiểm tra của Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Phòng Thanh tra - Kiểm tra KBNN tỉnh, thành phố làm đầu mối tổ chức thực hiện. Năm 2022, KBNN đã phân cấp cho KBNN tỉnh, thành phố thực hiện, KBNN chỉ thực hiện việc kiểm soát đối với công chức các đơn vị thuộc KBNN, KBNN tỉnh thành phố thực hiện kiểm soát công chức các phòng chức năng và các KBNN quận, huyện.

Báo cáo từ Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN cho biết, đến thời điểm này, cả hệ thống KBNN đã hoàn thành nhiệm vụ này đảm bảo đúng quy trình, quy định.