FED quyết siết tiền tệ

Giữa tháng 12/2021, FED đã đi đến quyết định sẽ kết thúc việc mua trái phiếu thời kỳ đại dịch vào cuối tháng 3/2022, mở đường cho 3 đợt tăng lãi suất, với biên độ 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm 2022.

Đo lường biến động tỷ giá  trước động thái FED thắt chặt tiền tệ

Tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế nước ta đang phục hồi.

Quyết định thắt chặt tiền tệ của FED đưa ra trong bối cảnh sức ép lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng tại đây. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố vào tháng 12/2021 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11/2021 tăng lên tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982.

Lạm phát tăng mạnh trên 5% liên tục trong nửa năm qua. CPI trong tháng 11 cao hơn 0,8% so với tháng 10 vốn đã tăng 0,9% so với tháng trước đó. Mức lạm phát phản ánh giá cả một loạt mặt hàng tăng mạnh khi kinh tế Mỹ đang dần phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong tháng 10/2021, giá thực phẩm tại Mỹ đã tăng 4,9%, giá xăng tăng 6,1% trong khi giá xe hơi tăng hơn 11%.

Động thái FED tăng lãi suất được giới chuyên môn dự báo có thể cũng khiến cho nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tăng lãi suất và điều này đồng nghĩa với thời kỳ tiền rẻ (lãi suất siêu thấp) sẽ kết thúc. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là kinh tế thế giới sẽ chuyển sang giai đoạn tiền đắt, mà chỉ là bớt rẻ hơn so với trước.

Đo lường biến động tỷ giá  trước động thái FED thắt chặt tiền tệ

Ông Hồ Quốc Tuấn - giảng viên Đại học Bristol (Anh), cho biết tiền sẽ không còn quá rẻ, cũng không thể rẻ hơn nữa, nhưng vẫn rẻ. Điều này là hợp lý vì các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn lo ngại những diễn biến bất định của dịch Covid-19 và nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Thắt chặt hơn nữa sẽ không phải là tối ưu, tựa như khi bạn đang chạy nhanh mà thắng quá gấp sẽ khó tránh dẫn đến một cú lật xe” - ông Tuấn nhận định.

Tuy vậy, động thái thắt chặt tiền tệ của FED ít nhiều cũng gây tác động làm đồng USD tăng giá. Do lãi suất đồng USD tăng sẽ khiến đồng nội tệ của các nước (nhất là thị trường mới nổi) mất giá tương ứng. Theo đó, nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng sẽ tăng lãi suất và thực tế một số nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga… đã hành động theo hướng này.

Cân đong tác động tỷ giá

Theo trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Pinetree, cho biết hành động trên của FED, cũng như sau đó là của nhiều ngân hàng trung ương khác có thể sẽ tác động theo nhiều chiều tới kinh tế Việt Nam.

Theo lý thuyết thì khi một nền kinh tế có lạm phát cao hơn nền kinh tế kia, đồng tiền của nó cũng mất giá tương ứng. Điều này phần nào thể hiện qua 3 lần giảm giá của USD ngay trong 2020. Tiếp đó, khi lạm phát được kiểm soát, lãi suất tăng lên lại giúp đồng USD mạnh lên, làm tăng giá USD.

Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 89,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 76 tỷ USD và nhập khẩu chỉ 12,9 tỷ USD. Dễ nhận ra rằng, đồng USD mạnh lên cũng làm cho hàng hóa Việt Nam có giá cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, kích thích xuất khẩu nhiều mặt hàng nội địa chủ lực như dệt may, đồ gỗ, nông thổ sản.

Tuy nhiên, nhìn lại từ góc độ FDI, có hai yếu tố sẽ cản trở xu hướng USD tăng giá trên. Một là FDI vào Việt Nam vẫn duy trì trung bình 30 tỷ USD/năm ngay trong giai đoạn dịch 2020 - 2021 hay gần 9% GDP, nguồn cung USD dồi dào sẽ hạn chế sức tăng của tỷ giá. Hai là, việc tăng tỷ giá nếu xảy ra có thể tác động dòng vốn FDI trong thời gian tới, các nhà đầu tư có thể quan sát và giải ngân vào thời điểm hợp lý nhất đề phòng rủi ro tỷ giá và động thái này cũng sẽ có tác động điều hòa tỷ giá.

Với bối cảnh như hiện nay, các chuyên gia đánh giá rằng nếu các con số đưa ra không vượt quá kỳ vọng trước đây thì mọi thứ vẫn đi đúng hướng. “Nhìn chung, việc điều tiết chính sách tỷ giá cho hài hòa lợi ích các bên là điều cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam hiện tại” - ông Thành đưa ra nhận định thêm.

Cụ thể giới chuyên gia kinh tế dự đoán, tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế nước ta đang phục hồi (tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5% - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội). Với số liệu kinh tế hiện tại, nếu lãi suất đồng USD tăng mà lãi suất VND giữ nguyên năm sau thì tỷ giá đồng Việt Nam so với USD tăng từ 1 - 2% sẽ hợp lý.

Một số hành động của FED trong năm 2022 và các năm tới

Cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của FED cho biết, sẽ bắt đầu giảm mua tài sản từ tháng 1/2022 (mỗi tháng giảm 30 tỷ USD) và sẽ kết thúc việc mua trái phiếu thời kỳ đại dịch vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4/2022.

Các quan chức FED dự kiến có 3 lần tăng lãi suất vào năm 2022, nâng lãi suất từ 0% - 0,25% lên dần 0,75% - 1%. Cơ quan này dự kiến tiếp tục tăng 3 lần vào năm 2023 và 2 lần vào năm 2024.