Cảnh báo những biến động tỷ giá cuối năm
Giá USD tháng 9/2023 tăng 1,53%, cao hơn số lũy kế của cả 9 tháng cộng lại. Ảnh: TL

Bài học năm ngoái

Nhìn lại 1 năm trước, tỷ giá đã trở thành “điểm nóng” trong giai đoạn bước vào đầu quý IV/2022. Thời điểm đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ giá đồng Việt Nam giảm so với USD khoảng 4% trong vòng gần 9 tháng (từ đầu năm đến ngày 20/9/2022). Đặc biệt, thời điểm đó tỷ giá cũng chịu sức ép của các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), với 5 lần tăng liên tiếp từ đầu năm đến cuối tháng 9.

Theo đó, sau lần tăng lãi suất thứ 5 của FED (diễn ra ngày 21/9/2022), tỷ giá tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và đến giữa tháng 10/2022, ước tính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại thời điểm đó cho thấy, tỷ giá đồng USD/VND đã tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Trước động thái này, NHNN đã đưa ra một quyết định khá táo bạo là nới lỏng biên độ tỷ giá vào ngày 17/10/2022.

Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND được điều chỉnh tăng từ mức ±3% lên ±5%, kết thúc một giai đoạn dài biên độ tỷ giá được neo ở mức ±3% (từ năm 2015). Về lý do điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá khi đó, NHNN cho biết, FED và nhiều ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành; xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn; giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao; lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.

Tiếp tục hút bớt tiền VND qua thị trường mở

Những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục thực hiện các đợt phát hành tín phiếu qua đó hút bớt tiền VND qua nghiệp vụ thị trường mở. Hôm đầu tuần này (ngày 9/10), NHNN đã bán ra gần 5 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 1%/năm. Theo đó, lãi suất tín phiếu quay đầu giảm so với tuần trước. Trước đó, NHNN đã liên tục thực hiện các đợt đầu thầu tín phiếu từ giai đoạn nửa cuối tháng 9 đến nay.

Tại thời điểm đó, một số chuyên gia cho rằng, việc chấp nhận đồng nội tệ mất giá ở mức độ nào đó là phù hợp với bối cảnh chung, nhưng mức độ mất giá cụ thể là bao nhiêu sẽ là yếu tố phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng. Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc điều chỉnh cần có sự tính toán trên sự cân đối các yếu tố lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thanh toán nợ…

“Việc điều tiết phải làm sao phù hợp để góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh nhưng không tăng quá nhiều áp lực lên lãi suất, thanh toán, nhập khẩu…” - ông Thành nói.

Sau động thái mở rộng biên độ tỷ giá, tâm lý găm giữ đầu cơ ngoại tệ cũng đã giảm bớt và tỷ giá có phần dịu đi từ giai đoạn khoảng tháng 12/2022. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá USD tháng 12/2022 thậm chí đã giảm tới 2,6% so với tháng trước và tính chung chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.

Biến động tỷ giá là yếu tố khó lường

Hiện tại là thời điểm khoảng đúng 1 năm sau thời điểm “nóng bỏng” của tỷ giá đã từng diễn ra năm ngoái. Thực tế bối cảnh năm nay đã có nhiều điểm khác. Tỷ giá không còn là yếu tố quá căng thẳng như diễn biến năm ngoái, nhưng cũng vẫn có những yếu tố cho thấy diễn biến tỷ giá vẫn cần được theo dõi sát sao để có thể có những giải pháp hợp lý kịp thời.

Thực tế, diễn biến tỷ giá trong nửa đầu năm 2023 đã diễn ra khá ổn định và theo đó, có nhiều thời điểm NHNN đã có thể thực hiện đưa tiền Việt Nam ra để mua USD vào nhằm tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, tỷ giá bắt đầu có tín hiệu nhúc nhích tăng kể từ quý III và đặc biệt vào cuối quý. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá USD riêng tháng 9/2023 đã tăng 1,53%, cao hơn số lũy kế của cả 9 tháng cộng lại (9 tháng tăng 0,35% so với tháng 12/2022).

Thực chất, NHNN thời gian gần đây đã có những động thái hút bớt tiền Việt Nam để giảm bớt nguồn cung VND trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Ông Nguyễn Đắc Toại - chuyên viên tư vấn thuộc Công ty chứng khoán SSI cho biết, đây là quyết định kịp thời của NHNN để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Toại, diễn biến thời gian tới cũng sẽ còn tiếp tục phụ thuộc dòng USD thực tế chảy vào từ thặng dư thương mại, kiều hối, FDI và một số khoản cam kết rót vốn lớn vừa qua.

Nhìn vào thực tế diễn biến nguồn cung ngoại tệ giai đoạn hiện nay cũng vẫn cho thấy trạng thái thuận lợi hơn so với 1 năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa riêng tháng 9/2023 xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD. Giá trị xuất siêu của 9 tháng đầu năm 2023 theo đó cao hơn khá nhiều so với con số xuất siêu 6,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong khi đó, giải ngân vốn FDI hiện cũng đang tăng trưởng khá cũng là yếu tố tạo nguồn cung tốt cho ngoại tệ giai đoạn hiện tại. Cụ thể, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cũng vẫn cảnh báo những khó khăn cũng có thể gặp phải bởi biến động tỷ giá là yếu tố khó lường. Ví dụ như, xuất nhập khẩu hàng hóa trong trạng thái thặng dư là yếu tố thuận lợi cho tỷ giá, nhưng cán cân dịch vụ lại đang trong trạng thái thâm hụt cũng là yếu tố cảnh bảo liên quan đến cân đối cung cầu ngoại tệ. Bên cạnh đó, diễn biến chênh lệch lãi suất trong nước và lãi suất đồng USD trên thị trường quốc tế ngày càng thu hẹp cũng là yếu tố cảnh báo có thể ảnh hưởng tỷ giá.

TS. NGUYỄN HỮU HUÂN - TRƯỞNG BỘ MÔN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH THUỘC ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH:

Xu hướng diễn biến của lãi suất cũng có thể ảnh hưởng tỷ giá

Cảnh báo những biến động tỷ giá cuối năm
TS. Nguyễn Hữu Huân

Lãi suất trong nước tiếp tục đang trong xu hướng giảm và mặt bằng lãi suất tiền Việt Nam, lãi suất đồng USD trên thị trường quốc tế đang ngày gần nhau hơn. Trong bối cảnh lãi suất trong nước và lãi suất đồng USD nếu chênh lệch quá ít có thể sẽ dễ có tác động làm dòng vốn đảo chiều chuyển dịch ra bên ngoài và việc này có thể ảnh hưởng đến tỷ giá. Trong khi đó, tỷ giá nếu biến động thì NHNN sẽ lại phải có phản ứng bằng các công cụ của chính sách tiền tệ, chẳng hạn lại phải tăng lãi suất trở lại để ổn định tỷ giá và điều đó cũng sẽ liên quan đến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA - THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TIỀN TỆ QUỐC GIA:

Doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro tỷ giá bằng việc tham gia thị trường kỳ hạn

Cảnh báo những biến động tỷ giá cuối năm
TS. Lê Xuân Nghĩa

Khi tỷ giá hối đoái tăng thường có lợi cho nhà xuất khẩu, các nhà xuất khẩu sẽ xuất khẩu hàng hoá sang các nước khác rẻ hơn, ngược lại bất lợi cho nhà nhập khẩu vì việc nhập khẩu hàng hoá từ bên ngoài đắt hơn. Đây là điều thường xuyên xảy ra trên thương trường, nhưng yếu tố tỷ giá hối đoái tác động cung cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam không lớn lắm. Lý do là chúng ta thấy có sự trung hoà giá trị gia tăng thấp của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.

Lời khuyên cho các doanh nghiệp nhập khẩu muốn hạn chế rủi ro tỷ giá là nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn hoặc tham gia vào thị trường phái sinh nào đó để phòng vệ rủi ro./.