![]() |
Nhân viên VietinBank Chi nhánh Khánh Hòa hướng dẫn khách hàng sử dụng thiết bị nhận diện sinh trắc học. Ảnh: VietinBank Khánh Hòa |
Có ngân hàng giảm 40% nhân sự, tái cấu trúc toàn diện
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa được tổ chức, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết, đầu năm vừa qua, ngân hàng đặt kế hoạch cần có hơn 8.200 nhân sự, tương ứng quy mô tăng trưởng kinh doanh, song cuối năm tổng số nhân viên là 7.700 người, giảm 500 định biên so với kế hoạch và đến nay, con số này thấp hơn nữa.
500 robot vào việc giúp ngân hàng tăng tốc số hóa, tối ưu vận hành"Ngân hàng TPBank ứng dụng và triển khai khoảng 500 robot cải tiến các quy trình và giảm các bước tham gia. Đồng thời, số hóa toàn trình giúp mọi thứ trở nên nhanh chóng, minh bạch hơn, không cần giấy tờ, tiêu tốn thời gian, giảm số lượng nhân viên không cần thiết và giúp tiết kiệm chi phí. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ như AI, dữ liệu lớn và học máy giúp rút ngắn thời gian xử lý, tinh giản quy trình và tiết kiệm đáng kể nguồn lực, ước tính tương đương 300 - 500 người, trong bối cảnh chi phí nhân sự ngày càng cao. Cùng với đó, nhiều cơ hội kinh doanh mới mở ra, đẩy mạnh cho vay kênh số khi ứng dụng công nghệ" - ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank. |
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, tinh gọn toàn bộ cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại các khối và hợp nhất các chức năng tương đồng. Ngay trong từng khối, cũng cắt giảm các tầng trung gian không cần thiết nhằm rút ngắn luồng thông tin từ trên xuống và từ dưới lên, tránh lãng phí thời gian; đồng thời, tăng cường hoạt động hậu kiểm định kỳ" - ông Hưng nói.
Tại ABBank, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vũ Văn Tiền cũng nhận định, ngân hàng có bộ máy đông nhưng không mạnh, thậm chí tồn tại yếu tố bao che khiến hiệu quả hoạt động chưa cao. "Ngân hàng đã mạnh dạn thực hiện tinh giản bộ máy, có đơn vị cắt giảm tới 30 - 40% nhân sự. Quan điểm xuyên suốt là không thể tiếp tục duy trì một bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả" - ông Tiền nêu rõ.
Trong bối cảnh số hóa, ABBank xác định việc tuyển dụng sẽ bám sát nhu cầu thực tế, ưu tiên đúng người, đúng năng lực để tối ưu hiệu quả. Ngân hàng cũng triển khai tái cấu trúc mạnh mẽ tại Hội sở theo hướng tinh gọn và hiệu quả, sắp xếp lại các khối, ban chức năng, tinh giản nhân sự có trọng tâm, giảm tầng nấc trung gian để rút ngắn luồng thông tin và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Trong nhóm "big 4", VietinBank là ngân hàng tiên phong triển khai việc cắt giảm các điểm giao dịch vật lý theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank Trần Minh Bình tại Đại hội đồng cổ đông mới đây.
“Nghe có vẻ hơi ngược, nhưng đây là điều chúng tôi đang thực hiện. VietinBank dự kiến cắt giảm vài trăm điểm giao dịch truyền thống, thay thế bằng các nền tảng số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đây là mục tiêu trọng yếu mà chúng tôi đang đầu tư rất mạnh mẽ, kết quả sẽ sớm được thể hiện rõ ràng” - ông Bình nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo VietinBank, trong hai năm gần đây, ngân hàng gần như không tuyển dụng thêm các mảng kinh doanh truyền thống như tín dụng hay nguồn vốn. Bước sang năm 2025, VietinBank sẽ đẩy mạnh tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dự kiến nâng quy mô nhân sự trong mảng này từ 300 người lên gần 1.000 người gồm cả nguồn lực thuê ngoài, với mức lương rất cạnh tranh.
Đẩy mạnh số hóa, loạt vị trí bị thay thế bằng AI, robot
Xu hướng cắt giảm nhân sự, tinh gọn đội ngũ ngành Ngân hàng tiếp tục trong năm 2025 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngay từ đầu năm, có nơi còn sa thải nhân sự vì bằng cấp không đúng chuyên ngành dù hàng chục năm gắn bó.
Thống kê của phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư cho thấy, năm 2024 có 8 ngân hàng cắt giảm tổng cộng trên 2.500 lao động. Trong đó, cả ngân hàng quốc doanh lẫn tư nhân cũng tinh giản mạnh bộ máy như: BIDV, Sacombank, ACB, VIB, LPBank, ABBank... Việc ứng dụng công nghệ và fintech ngày càng phổ biến đang khiến nhiều ngân hàng tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự hành chính, hậu cần và tư vấn.
Theo Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, năm 2024, ngân hàng tiết kiệm gần 500 tỷ đồng chi phí hoạt động và cải thiện chỉ số CIR (chi phí trên thu nhập) còn 34,78% từ mức trên 40%. Những kết quả này đạt được nhờ nỗ lực mạnh mẽ trong việc tiết giảm chi phí, tối ưu vận hành và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
Tại TPBank, chi phí cho tài sản chiếm khoảng 15 - 20% tổng chi phí, trong đó, phần lớn dành cho đầu tư vào hạ tầng công nghệ như thiết bị, hệ thống lưu trữ, đường truyền và các nền tảng công nghệ lõi. Đây là khoản đầu tư cần thiết để xây dựng nền tảng số vững chắc, tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn cho ngân hàng.
Tại VietinBank cũng đang triển khai 108 sáng kiến chuyển đổi số, bao gồm nhiều dự án quy mô lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 60% sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng được đưa lên kênh số, tỷ lệ giao dịch số đạt tới 99%.
Bước sang năm 2025, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là trụ cột chiến lược trong định hướng phát triển của VietinBank. Ngân hàng lên kế hoạch tăng mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, phần mềm, các giải pháp số và đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngân hàng đang triển khai thử nghiệm AI tại trung tâm chăm sóc khách hàng, với mục tiêu tự động hóa khoảng 70% khối lượng công việc, chỉ giữ lại 30% nhân sự vận hành các phần còn lại. Đồng thời, khối nhân sự cũng đang rà soát toàn bộ các vị trí có thể được AI thay thế, nhằm lên kế hoạch tái cấu trúc và điều chuyển phù hợp. Đáng chú ý, ngân hàng thành lập riêng khối dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, với khoảng 100 đề án sẽ được triển khai theo lộ trình đến năm 2026.q
Những cái tên sáng giá nhờ chú trọng đầu tư công nghệTrong báo cáo cập nhật ngành Ngân hàng mới đây, Trung tâm Phân tích VPBankS Research cho rằng, đổi mới công nghệ sẽ cho phép các ngân hàng phục vụ phân khúc đại chúng cao cấp một cách hiệu quả về mặt kinh tế. "Chiến lược đầu tư tối ưu nên tập trung vào các ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng cao nhất, hay vào những ngân hàng có vị thế dẫn đầu trong đổi mới công nghệ? Nếu phải lựa chọn giữa hai yếu tố này, chúng tôi có xu hướng nghiêng về phương án thứ hai. Quan điểm của chúng tôi về công nghệ không dựa trên những chiến lược đã được công bố, mà dựa trên việc tổng hợp những gì nên xảy ra và xác định ai là bên có năng lực triển khai tốt nhất" - nhóm phân tích của VPBankS phân tích. Nhóm phân tích đánh giá cao một số ngân hàng nổi bật nhờ chiến lược tăng trưởng tín dụng và đầu tư công nghệ hiệu quả như: VPBank, MB, Techcombank... Theo đó, cả Techcombank và VPBank được dự báo sẽ hưởng lợi lớn nhất nếu Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ cơ chế cấp room tín dụng, từ đó, có thể tạo dư địa tăng trưởng mạnh hơn cho các ngân hàng có nền tảng tài chính và công nghệ tốt. Khi đánh giá về công nghệ, không thể phủ nhận ứng dụng ngân hàng của Techcombank vô cùng xuất sắc. Trong khi đó, hệ sinh thái của VPBank có lịch sử triển khai các dự án công nghệ lõi (back-end) đầy tham vọng, tiêu biểu như việc CAKE phát triển hệ thống quản lý thẻ nội bộ, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, hay chuyển giao giải pháp eKYC và NFC. MB cũng ở vị thế thuận lợi trong việc triển khai các sáng kiến chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng AI, nhờ hậu thuẫn từ Tập đoàn Viettel./. |