Đo "sức nóng" giá vàng và cảnh báo cho nhà đầu tư lướt sóng

Những yếu tố từ bên ngoài

Trong tuần cuối cùng của tháng 11, giá vàng thế giới ghi nhận xu hướng tăng liên tục mặc dù đã có một giai đoạn tăng khá ấn tượng trước đó. Cụ thể hôm 27/11, giá vàng giao ngay chỉ ở mức 2.004,4 USD/ounce, nhưng tăng đều đặn trong các ngày sau đó và có lúc đã chạm mốc 2.044 USD/ounce. Tại thời điểm sáng ngày 1/12 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã có điều chỉnh giảm chút ít, nhưng vẫn ở mặt bằng khá cao với mức 2.042 USD/ounce.

Hiện tại, diễn biến tình hình kinh tế chính trị trên thế giới có khá nhiều động thái có thể tác động trái ngược nhau lên giá vàng. Thông thường theo quy luật, kỳ vọng kết thúc các xung đột quân sự dễ dẫn đến ảnh hưởng làm giảm nhu cầu tích lũy vàng (để phòng vệ rủi ro), qua đó có thể dễ làm giá vàng giảm.

Tuy nhiên, thực tế lệnh ngừng bắn giữa Israel - Hamas diễn ra cũng không làm cho thị trường vàng kém sức hút mà giá vàng vẫn tăng trong những ngày qua.

Mặc dù vậy, thị trường tài chính cũng đối diện với nhiều yếu tố khác có thể tác động lên giá vàng. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh USD vẫn đi vào trạng thái khá yếu có thể coi là một trong những yếu tố làm cho vàng trở nên có giá trị hơn trong sự so sánh với đồng USD bởi thị trường vàng quốc tế thường niêm yết theo đồng tiền này.

Ngoài ra, tình hình lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt cũng khiến cho giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ ngừng chuỗi tăng lãi suất kéo dài suốt 2 năm qua và thậm chí có thể xem xét giảm lãi suất vào đầu hoặc giữa năm 2024.

Theo đó, lãi suất tại Mỹ chuyển sang chu kỳ giảm thì đó sẽ là yếu tố tạo sự chuyển dịch dòng vốn từ các công cụ tài chính có lãi suất cố định sang các kênh đầu tư khác, thông thường là chứng khoán và vàng.

Số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/11 cho thấy CPI của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này giảm so với 3,7% tháng 9 và chậm hơn dự báo của các nhà kinh tế học. Còn so với tháng trước đó, CPI không tăng.

Trên trang Kitco, một số chuyên gia tài chính dự báo vàng có triển vọng tích cực trong năm 2024. Tuy nhiên, cũng có quan điểm phân tích cho rằng mặc dù lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 2% nên khả năng FED sẽ nới lỏng tiền tệ cũng sẽ chưa thể diễn ra sớm.

Truyền nhiệt tới thị trường trong nước

Sức nóng của thị trường vàng thế giới cũng đã truyền nhiệt sang thị trường vàng trong nước, với xu hướng tăng giá ấn tượng và ghi nhận kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, khi vàng miếng SJC 9999 bán ra đã có thời điểm vượt mốc lịch sử 74 triệu đồng/lượng.

Cuối tuần, giá vàng tuy đã có phần hạ nhiệt đôi chút, nhưng mặt bằng giá vẫn rất cao, sáng ngày 1/12, giá vàng miếng SJC 9999 mua vào/bán ra là 72,4/73,6 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn SJC 9999 là 61,25/63,25 triệu đồng/lượng.

Ngoài yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài, thị trường vàng trong nước còn đang có những yếu tố thuận lợi hơn so với quốc tế. Cụ thể tại thị trường quốc tế, FED tuy đang tạm dừng tăng lãi suất, nhưng vẫn treo lãi suất ở mặt bằng cao và việc giảm lãi suất sẽ diễn ra khi nào cũng vẫn chỉ dựa trên dự đoán với các yếu tố không hoàn toàn chắc chắn.

Đo "sức nóng" giá vàng và cảnh báo cho nhà đầu tư lướt sóng
Sức nóng của thị trường vàng thế giới cũng đã truyền nhiệt sang thị trường vàng trong nước. Ảnh: TL

Trong khi đó, lãi suất tại thị trường Việt Nam vẫn liên tục giảm trong thời gian vừa qua và hiện tại lãi suất huy động đã về thấp hơn cả lãi suất thời điểm trước dịch Covid-19. Lãi suất kỳ hạn 1 năm tại Vietcombank hiện chỉ còn 4,8%/năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn còn đang đối diện nhiều rủi ro, trong khi tình hình kinh doanh chung của doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn thuận lợi để tạo sức hút dòng tiền vào cổ phiếu của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, vàng trở thành kênh đầu tư còn lại có thể được các nhà đầu tư nghĩ đến. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vàng hiện đang là một kênh trú ẩn an toàn và hấp dẫn tại thời điểm này.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn trọng, do giá vàng có thể biến động nhanh chóng trong thời gian ngắn. Giai đoạn này, các nhà đầu tư phải theo dõi diễn biến thị trường vàng liên tục, thậm chí là hàng giờ để kịp thời nắm bắt thị trường.

Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng vàng có thể có yếu tố để tăng giá, nhưng ông Khánh cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi ra quyết định mua hay bán vàng vì mua bán vàng để lướt sóng sẽ rất rủi ro.

Thực tế động thái niêm yết giá của các công ty vàng thời gian qua cho thấy, tại thời điểm giá vàng ổn định, chênh lệch giá mua/giá vàng vàng SJC 9999 thường ở mức 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vào thời điểm giá vàng biến động mạnh như những ngày gần đây, các công ty vàng đã giãn rộng chênh lệnh giá mua/bán ra, ví dụ với vàng SJC 9999 là khoảng 1,2 đến 1,22 triệu đồng/lượng.

Điều này cho thấy chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư nếu có nhu cầu mua bán ngắn hạn cũng đã tăng lên so với trước đây. Do đó với tính chất này, ngay cả với một số thời điểm dù giá vàng tăng - nhưng không tăng nhiều hơn mức chênh lệch mua vào/bán ra - thì nhà đầu tư cũng không có lãi nếu lướt sóng ngắn hạn.

Đo "sức nóng" giá vàng và cảnh báo cho nhà đầu tư lướt sóng

"Vàng hiện đang là một kênh trú ẩn an toàn và hấp dẫn tại thời điểm này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn trọng, do giá vàng có thể biến động nhanh chóng trong thời gian ngắn. Giai đoạn này, các nhà đầu tư phải theo dõi diễn biến thị trường vàng liên tục, thậm chí là hàng giờ để kịp thời nắm bắt thị trường".

Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế.