Nhiều yếu tố khiến giải ngân đầu tư công đạt thấp
Đồng Nai là địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ 4 cả nước, nên có nhiều dự án đầu tư công và nguồn vốn được phân bổ lớn. Năm 2025, địa phương được giao tổng vốn đầu tư công khoảng 16,6 nghìn tỷ đồng, kế hoạch bố trí vốn năm 2025 là 15,7 nghìn tỷ đồng và kế hoạch vốn kéo dài sang năm 2025 gần 900 tỷ đồng.
![]() |
Giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một dự án có vốn đầu tư công tại Đồng Nai. Ảnh: Việt Dũng |
Theo Sở Tài chính Đồng Nai, tính đến ngày 8/5, toàn địa phương đã giải ngân được khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 11% kế hoạch vốn được giao trong năm 2025. Một số dự án trên địa bàn chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Sở Tài chính Đồng Nai, điểm “nghẽn” lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công của địa phương là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thiếu vật liệu san lấp. |
Cụ thể là Dự án thành phần 1, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án thành phần 3, Dự án Đường vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh; Dự án Hồ chứa nước Cà Ròn, xã Gia Canh, huyện Định Quán; Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh phía cù lao Phố), TP Biên Hòa; Dự án Đường Sông Nhạn - Dầu Giây; Dự án Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong, huyện Long Thành.
Tiếp nữa là Dự án chống ngập úng khu vực Suối Cải, TP. Long Khánh; Dự án Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Nạo vét bờ trái tuyến rạch Cái Cầu (suối Xiệp); Dự án Hương lộ 2 nối dài; Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa; Dự án Đường ven sông Cái, TP. Biên Hòa. Các dự án này bị chậm tiến độ do thiếu vật liệu xây dựng, chậm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bổ sung thêm hạng mục trong quá trình thi công xây dựng.
Bên cạnh việc dự án chậm tiến độ, kết quả giải ngân đầu tư công của Đồng Nai những tháng đầu năm thấp còn do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư tập trung cho những dự án chuyển tiếp, trong khi các dự án bố trí vốn khởi công mới chỉ đang thực hiện khâu thiết kế thi công. Những dự án này thường vào cuối quý II cho đến hết năm chủ đầu tư mới tăng tốc hoàn thành khối lượng công việc, hồ sơ để giải ngân vốn.
![]() |
Toàn cảnh dự án Đường Trục TP. Biên Hòa, một trong nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công của Đồng Nai. Ảnh minh họa |
Phát động cao điểm tăng tốc giải ngân đầu tư công
Trước thực tế kết quả giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm đạt kết quả chưa cao, ngày 13 và 16/5 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị chủ đầu tư và các địa phương trực thuộc, đặc biệt là các đơn vị được bố trí nguồn vốn lớn bàn các giải pháp, hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư cong năm 2025 trên địa bàn.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà, Đồng Nai đặt mục tiêu đến ngày 30/6 phải nằm trong top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ phát động cao điểm 45 ngày đêm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Đòi hỏi các địa phương, các đơn vị chủ đầu tư phải chủ động đưa ra các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và môi trường chịu trách nhiệm toàn diện, hướng dẫn các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác đôn đốc tiến độ thi công tại công trường các dự án.
Trong khi đó, các địa phương, chủ đầu tư được yêu cầu khẩn trương rà soát nguồn vốn ngân sách được giao báo cáo Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để đăng ký Hội đồng nhân dân tỉnh họp chuyên đề về điều chỉnh kế hoạch vốn; đăng ký danh sách các gói thầu sẽ khởi công mới đến cuối tháng 6/2025, làm việc với các nhà thầu trên tinh thần tự nguyện để lập danh sách các công trình sẽ triển khai thi công ba ca nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn.
Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Sở Tài chính Đồng Nai đề xuất UBDN tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, tiến độ thi công, phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, vật liệu xây dựng. Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát tại hiện trường đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm theo quy định đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn… |