Đồng Nai hiện có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích đất lên tới hơn 10 nghìn ha, thu hút đầu tư từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số hơn 2,1 nghìn dự án, tạo việc làm cho hơn 592 nghìn lao động.

Theo Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Nguyễn Trí Phương, Ban quản lý luôn đồng hành với doanh nghiệp, đồng thời tham mưu UBND tỉnh xử lý những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề Trung ương quy định có điểm chưa rõ, trên tinh thần giải quyết nhanh chóng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đơn vị ngoài việc tham mưu cho tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp hàng năm, định kỳ 6 tháng/lần đã tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Những buổi gặp gỡ và đối thoại thường xuyên này đã góp phần tích cực trong việc đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - khu công nghiệp đầu tiên của Đồng Nai. Ảnh: Việt Dũng.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - khu công nghiệp đầu tiên của Đồng Nai. Ảnh: Việt Dũng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Đồng Nai chủ trương không phát triển khu công nghiệp một cách tràn lan mà chú trọng thu hút đầu tư có lựa chọn để quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả. Từ đó, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu, lợi ích cao nhất và sự phát triển vững chắc của địa phương.

Tỉnh kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu, ưu tiên thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ và những dự án vốn nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo xu hướng phát triển bền vững, từ năm 2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã tham gia Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu.

Khu công nghiệp Amata được Đồng Nai lựa chọn chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Việt Dũng
Khu công nghiệp Amata được Đồng Nai lựa chọn chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Việt Dũng

Đơn cử như Khu công nghiệp Amata đã được lựa chọn để chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tham gia Dự án Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, là phần tiếp nối và mở rộng số lượng các khu công nghiệp tham gia.

Ông Dương Minh Dũng cho biết thêm, Đồng Nai phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao trong những năm sắp tới. Tỉnh xác định thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong mở rộng sản xuất, kinh doanh là giải pháp trọng tâm. Các khu công nghiệp có vai trò chủ đạo trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào địa phương để tạo ra giá trị sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiệm vụ của Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng như các đơn vị liên quan trong năm nay và các năm tiếp theo là tiếp tục mở rộng diện tích đất công nghiệp, đầu tư hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để tăng trưởng dài hạn trong tương lai.