Nắn dòng tín dụng đi đúng hướng, dồn vốn vào những ngành trọng điểm Nhìn lại bức tranh tín dụng, thúc đẩy động lực tăng trưởng GDP năm 2025 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập các lĩnh vực ưu tiên vốn tín dụng, tạo đà tăng GDP trên 8%

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến đầu tháng 2/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 0,19% so với mức giảm 0,6% trong cùng kỳ năm 2024. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng phục hồi mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước và tạo điều kiện thuận lợi từ đầu năm cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 16% như mục tiêu đề ra của NHNN.

Ngân hàng tăng tốc từ đầu năm

Một tín hiệu mới cũng giúp tăng tốc tín dụng, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đó là ngay từ đầu năm, khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống, nhà điều hành cũng nhắc đến việc xem xét xóa bỏ hạn mức tín dụng.

Trước đó, vào đầu năm 2024, NHNN đã xóa bỏ cơ chế hạn mức tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Đây sẽ là bước đi tích cực hướng tới quá trình chuyển đổi sang hệ thống kiểm soát tín dụng dựa trên rủi ro.

Dự báo sức bật tín dụng vượt trội đến từ các ngân hàng cho vay doanh nghiệp
Nhiều ngân hàng triển khai từ sớm các chương trình tín dụng ưu đãi. Ảnh tư liệu.

Nhiều ngân hàng hưởng lợi nhờ xóa bỏ hạn mức tín dụng

"Xét đến đặc điểm hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm việc phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng về vốn và rủi ro tỷ lệ hình thành nợ xấu gia tăng, có thể sẽ cần một khoảng thời gian để NHNN xóa bỏ hoàn toàn hạn mức tín dụng. Nếu được thực hiện thì các ngân hàng có cơ sở vốn vững chắc, hệ sinh thái tốt và lợi thế về chi phí huy động vốn, về mặt lý thuyết, sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi này" - Chứng khoán Vietcap nhận định.

Ngay khi được giao chỉ tiêu từ đầu năm, Agribank đã sớm triển khai, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025, với mục tiêu dư nợ tăng thêm khoảng 200 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 13%.

Chia sẻ gần đây, lãnh đạo Agribank cho biết, ngoài đối tượng "tam nông" truyền thống, ngân hàng tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm như: đầu tư phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt; các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, cho vay lĩnh vực lâm thủy sản...

"Agribank triển khai sớm 09 chương trình tín dụng quy mô trên 350 nghìn tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất thông thường để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả" - lãnh đạo Agribank nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Agribank, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời chủ động tiết giảm chi phí hoạt động tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng vượt trội nhờ cho vay doanh nghiệp

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức mạnh trong năm 2025. Động lực thúc đẩy nhiều đến từ mảng cho vay doanh nghiệp cũng như các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp và huy động vốn có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng như: nhóm ngân hàng quốc doanh, VPBank, MB và Techcombank.

Theo Chứng khoán Vietcap, một số ngân hàng báo cáo tăng trưởng tín dụng vượt trội, bao gồm HDBank (27,3%), MB (24,7%), Techcombank (21,7%), LPBank (20,4%) và ACB (19,1%), hầu hết đều có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp, hoặc chi phí vốn thấp.

Trước đó, năm 2024, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trên toàn hệ thống được thúc đẩy bởi mảng cho vay doanh nghiệp và vượt kỳ vọng của nhóm phân tích.

Nhìn lại diễn biến năm vừa qua, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng tốc từ quý III/2024 và tăng tốc mạnh hơn trong quý IV/2024 được thúc đẩy bởi những nỗ lực duy trì môi trường lãi suất thấp của NHNN và nền kinh tế tiếp tục phục hồi.

"Mảng cho vay doanh nghiệp là động lực tăng trưởng chính, trong khi mảng cho vay bán lẻ cho thấy sự cải thiện khiêm tốn so với cùng kỳ" - Chứng khoán Vietcap nhận định.

Dự báo sức bật tín dụng vượt trội đến từ các ngân hàng cho vay doanh nghiệp
Dự báo sức bật tín dụng vượt trội đến từ các ngân hàng cho vay doanh nghiệp. Ảnh tư liệu.

Cùng với đó, phát hành trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng trong danh sách theo dõi tăng 5,9% so với quý trước, chủ yếu do số dư trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank tăng 54,1%. Mức tăng này là do hoạt động bảo lãnh phát hành và phân phối của Công ty chứng khoán TCBS, trong khi số dư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng mẹ gần như đi ngang.

Phân tích tiềm năng tăng trưởng tín dụng của các nhà băng, theo phân tích của Chứng khoán Vietcap, VietinBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% cùng kỳ do chi phí dự phòng thấp hơn dự kiến, thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xử lý tăng mạnh và tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ năm 2024 của VietinBank là 16,8%, vượt dự báo trong khi NIM (biên lãi ròng) được kiểm soát tốt.

Nhóm phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng của VietinBank sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh chi tiêu tài khóa với nhiều tiềm năng trong năm 2025.

Với MB, theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset, trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 24,8%, đứng thứ hai trong nhóm các ngân hàng theo dõi, chỉ sau HDBank. Danh mục cho vay đạt 765.048 tỷ đồng, tăng 27,6% cùng kỳ.

"Trong khi đó, mảng cho vay cá nhân chiếm 42,7% tổng dư nợ, giảm 250 điểm cơ bản so với năm 2023. Dù doanh số cho vay cá nhân vẫn tăng trưởng 20,2% so với cùng kỳ trong năm 2024, tỷ trọng của mảng này trong tổng danh mục đã liên tục giảm kể từ quý I/2022 do thị trường bán lẻ gặp khó khăn" - nhóm phân tích Mirae Asset nhìn nhận.

Trong khi đó, các mảng cho vay doanh nghiệp tăng tỷ trọng so với năm 2023 như: bán buôn - bán lẻ phương tiện đạt 28,7% (tăng 160 điểm cơ bản); vận tải kho bãi chiếm tỷ trọng 3,3% (tăng 70 điểm cơ bản); bất động sản 8,26% (tăng 117 điểm cơ bản). Đối với năm 2025, MB dự kiến dành ít nhất 50% hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực sản xuất./.