Ông Dan Neary, phó Chủ tịch Facebook ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: WSJ
Điều này chứng tỏ vụ “lùm xùm” mới đây khi Ấn Độ cấm chiến dịch “Internet miễn phí” của mạng xã hội khổng lồ này cũng không thể ngăn cản sự bùng nổ của họ tại lục địa đông dân nhất hành tinh.
Ông Dan Neary, Phó chủ tịch của Facebook tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hôm 16/3 vừa cho biết, trong số 1,59 tỷ người sử dụng Facebook trên toàn thế giới hàng tháng, người châu Á chiếm đến hơn 1/3 - khoảng 540 triệu. Đây là dữ liệu cập nhật hồi cuối tháng 12/2015, tăng mạnh so với con số 449 triệu từ một năm trước đó.
Số tài khoản Facebook được đăng ký mới tại đây hàng năm cũng đạt tới 20%, so với mức trung bình 14% trên toàn cầu. “Tiềm năng tại châu Á – Thái Bình Dương lớn hơn bất kỳ khu vực địa lý nào khác, bởi chúng tôi có 2/3 dân số của thế giới, và thiết bị di động đã xuất hiện ở mọi nơi” – ông Neary nhận xét.
Mới hồi tháng 2, chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi công bố mức lợi nhuận “khủng” lần đầu tiên đạt mốc 1 tỷ USD cho quý cuối năm 2015, mạng xã hội nổi tiếng này nhận được tin ‘shock’ khi bộ viễn thông Ấn Độ chính thức cấm họ triển khai chương trình miễn phí internet “Free Basics”. Chương trình này đã được triển khai ở khoảng một chục nước trên thế giới, cho phép người dùng truy cập nhiều website và ứng dụng mà không tính phí. Tuy vậy, các nhà chức trách của quốc gia đông dân nhất Nam Á cho rằng nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trung lập về Internet.
Ấn Độ hiện có trên 130 triệu người dùng Facebook, nhiều thứ nhì chỉ sau Hoa Kỳ. Twitter mới đây cũng tiết lộ họ có tới 142 triệu tài khoản dùng dịch vụ ở đất nước rộng lớn này. Thất vọng vì chương trình “Free Basics” bị xóa sổ ở Ấn Độ, nhưng ông Neary cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục kế hoạch này ở các nơi khác trên thế giới nhằm phổ cập internet đến đông đảo mọi tầng lớp dân chúng.
Mặc dù áp đảo về dân số cũng như lượng người dùng so với các khu vực khác, đại diện của mạng xã hội lớn nhất hành tinh cho biết châu Á chỉ đem lại doanh thu bình quân đầu người 1,59 USD cho họ. Con số này đối với Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) lên tới 13,54 USD. Ông Neary nhận xét việc gia tăng tỷ suất lợi nhuận là một quá trình lâu dài, trước hết Facebook sẽ tập trung vào việc phát triển kết nối, đưa thêm nhiều người đến với mạng xã hội này.
Simon Kemp, quản lý khu vực châu Á của hãng tư vấn We Are Social thống kê rằng, kể cả Facebook kiếm được ít lợi nhuận hơn trên bình quân đầu người tại châu Á so với Mỹ, châu lục này vẫn cực kỳ đông dân và là một mảnh đất rất “màu mỡ” để phát triển. Hơn nữa, tỉ lệ tăng trưởng người dùng tại đây vẫn không ngừng cao lên theo thời gian, trong khi con số đó ở các nước phát triển thậm chí còn giảm đi.
Theo ông Neary, vùng Đông Nam Á đang được Facebook đặc biệt quan tâm. Nơi này có tới 94% lượng khách hàng sử dụng đều đặn hàng thàng truy cập qua các thiết bị di động, trong khi trên bình quân toàn cầu con số này là chưa đến 90%. Một số quốc gia đáng chú ý ở đây là Indonesia với 82 triệu lượt tài khoản hoạt động hàng tháng cùng Thái Lan 37 triệu. Nếu tính theo lượt người dùng hàng ngày trên di động, Philippines đạt 24 triệu và Việt Nam 21 triệu.
Ngoài mạng xã hội, nền tảng chia sẻ hình ảnh Instagram cũng đang phát triển như “vũ bão”, đặc biệt là ở châu Á. Ứng dụng này hiện có 22 triệu người dùng đều đặn mỗi tháng, so với 11 triệu mới hồi một năm trước đây. Một trong những thị trường lớn nhất, quan trọng bậc nhất của Instagram là Indonesia, quốc gia Đông Nam Á với trên 255 triệu dân./.
Ngọc Vũ (theo Wall Street Journal)