Chiều ngày 14/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Miễn kiểm tra với doanh nghiệp tuân thủ tốt
Trình bày tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW có nội hàm đã rõ, cụ thể, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc hoặc vượt quá phạm vi điều chỉnh của các Luật đã có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày tại phiên họp. |
5 nhóm chính sách lớn được tập trung tại Nghị quyết là: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; và hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Trong đó, về cải thiện môi trường kinh doanh, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về một số nguyên tắc trong thực hiện thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận. Đó là không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng;
Dự thảo quy định miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế. |
Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Để tháo gỡ nút thắt về tiếp cận vốn, tăng năng lực tài chính cho kinh tế tư nhân, dự thảo Nghị quyết đưa ra một số giải pháp về hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn, ESG; hỗ trợ tài chính qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu đãi thuế, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); mở rộng đối tượng, bổ sung thêm chức năng cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, dự thảo Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hồ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự thảo quy định chấm dứt hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 1/7/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế. |
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Dự thảo cũng quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập kể từ thời điểm được cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp |
Dành gói thầu ngân sách dưới 20 tỷ đồng cho doanh nghiệp yếu thế, nhỏ và vừa
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo mở rộng thị trường, dự thảo Nghị quyết quy định, gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo.
Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo Nghị quyết quy định về việc hỗ trợ xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030. Bên cạnh đó sẽ cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kể toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự thảo Nghị quyết quy định 2 chính sách cho nhóm doanh nghiệp này, bao gồm: Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết quy định Nhà nước xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu thông qua 2 Chương trình là chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ;
Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global) để hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn, pháp lý, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, mua bán sáp nhập, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia./.