Giải ngân vốn đầu tư công: Xóa bỏ tư duy “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả” Tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2023 có thể đạt mục tiêu ít nhất 95%

Tăng trưởng quý III đạt 5,33% là vượt mong đợi

Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ tháng 9. Tại đây, đại diện các bộ, ngành đã thông tin về nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Về tình hình tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, kết quả tăng trưởng quý III đạt 5,33% là vượt khỏi những mong đợi trước đây, đóng góp cho tăng trưởng 9 tháng đạt 4,24%.

Trong kết quả đó có điểm nhấn là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Mặc dù con số không phải quá nhiều, đột phá nhưng đã là rất tốt so với bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn. Nếu so sánh với thế giới, tăng trưởng của Việt Nam là cao. Ngay cả trong khu vực châu Á, so với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đều cao hơn, thậm chí hơn cả những nền kinh tế như Anh, Pháp, Mỹ.

Một trong các động lực hỗ trợ tăng trưởng là tiêu dùng trong nước tăng 9% so với cùng kỳ. Động lực thứ hai là xuất khẩu, tháng sau lại phục hồi hơn tháng trước.

Động lực thứ ba được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh là đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân 9 tháng lần đầu tiên đạt 51,38%, trong khi số vốn năm nay cũng lớn hơn so với các năm trước. Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng cần cân nhắc khi nói rằng năm nay "giải ngân thấp".

Giải ngân đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Tăng trưởng tín dụng mới đạt hơn 6%

Thông tin về tình hình tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay đến nay, tín dụng có tăng nhưng so với năm ngoái còn thấp hơn khá nhiều. Cụ thể tốc độ tăng vốn huy động khoảng 5,9% (cùng kỳ năm ngoái 7,68%), tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt 12,9 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng đến hôm nay dự tính khoảng 6,1 – 6,2%, tổng dư nợ nền kinh tế đạt 12,630 triệu tỷ đồng (mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là khoảng 14% - PV).

Nguyên nhân tín dụng tăng chậm hơn năm ngoái, theo lãnh đạo NHNN, do nhiều lý do khách quan như khó khăn của thế giới, trong nước, khó khăn của doanh nghiệp.... “Cầu tiêu dùng, cầu đầu tư thấp nên cầu tín dụng cũng không tăng nhanh được” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Về lãi suất, đến nay mức giảm trung bình của lãi suất cho vay khoảng 1-1,5%, là con số rất tích cực so với kỳ vọng đầu năm là 1%. Điều này thể hiện sự quyết liệt trong điều hành chính sách tiền tệ ngay từ đầu năm. Phó Thống đốc cho rằng, dù báo cáo đánh giá chung là thận trọng, linh hoạt, phù hợp, nhưng theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ đã rất nới lỏng ngay từ đầu năm.

Từ đó, lãi suất cho vay đã giảm, đến nay lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,5-7%/năm, cho vay trung và dài hạn là 8,5-10%. Còn lại, lãi suất của các khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả lãi vào khoảng 9,3-11%, là mức cao.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc chỉ ra rằng, khi chưa đến kỳ trả lãi thì hợp đồng tín dụng đã ký vẫn giữ nguyên. Nhưng thông thường đến kỳ trả nợ, doanh nghiệp và ngân hàng đều có sự thỏa thuận theo hướng hỗ trợ giảm bớt lãi suất thực tế cho doanh nghiệp tại thời điểm thanh toán.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng cho người nghèo, đối tượng chính sách cũng đang tăng trưởng tốt với tốc độ 8,19%, tổng dư nợ đạt 316.000 tỷ đồng với 6,7 triệu khách hàng.

Giải ngân đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay

Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9

Về tiếp cận tín dụng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN xác định phải đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp để sớm khôi phục nền kinh tế sau 2 năm chống dịch. Vì thế, tín dụng đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm với 11 giải pháp lớn.

Trong 11 nhóm giải pháp này, Phó Thống đốc cho biết có các giải pháp như tạo dư địa và thanh khoản cho các ngân hàng; sử dụng các công cụ để tạo nguồn lực giá rẻ cho các ngân hàng có điều kiện hạ lãi suất, với 4 lần hạ lãi suất điều hành trong năm; rà soát lại văn bản pháp luật, tạo dư địa về mặt pháp lý cho các ngân hàng cung cấp các sản phẩm mới, tạo cạnh tranh, từ đó mang lại các dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp…

Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ, lãi đến hạn với Thông tư 02. Theo đó, đến nay có khoảng 120.000 tỷ đồng dư nợ đã được giãn, hoãn… Nhiều gói tín dụng chuyên đề của Chính phủ, như gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ hỗ trợ nhà ở xã hội, gói 15.000 tỷ đồng cho thủy sản, ngành gỗ.

Sẽ thêm nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội

Liên quan đến việc thiếu hụt giá ở giá thấp khi doanh nghiệp chưa “mặn mà” với đầu tư nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, quy định trước đây dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội là 20% diện tích trong các dự án nhà ở cơ bản.

Hiện nay, Luật Nhà ở đã sửa đổi theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu phù hợp với điều kiện, quy hoạch. Như vậy, quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở chuẩn bị được trình Quốc hội đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ cho nhà ở xã hội như miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, được các địa phương hỗ trợ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị…