Giải ngân vốn đầu tư công - nỗ lực lớn nhưng hiệu quả chưa cao
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Giải ngân đang chững lại

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) của cả nước đến hết tháng 6/2024 mới được trên 196.669 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch và đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân vốn đầu tư công: Rất nỗ lực nhưng kết quả vẫn thấp

Khẩn trương phân bổ chi tiết vốn bổ sung

"Với vai trò và trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương được giao bổ sung vốn NSTW từ nguồn tăng thu năm 2022 cần khẩn trương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm căn cứ giải ngân vốn trong thời gian tới".

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính

Nếu không tính 11.916 tỷ đồng kế hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 258/QĐ-TTg và Quyết định số 490/QĐ-TTg, ước tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 6/2024 là 28% kế hoạch và đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân không những không tăng mà còn đang có phần chững lại (cùng kỳ năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Đây là tỷ lệ đáng lưu ý, vì năm nay kế hoạch vốn ĐTC đã được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ bằng 95% so với kế hoạch năm 2023. Trong khi đó, ngoài một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt thì đa phần các bộ, ngành, địa phương vẫn đang giải ngân rất chậm, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - 2 đầu tầu kinh tế của cả nước.

Cụ thể, tại Hà Nội - Thủ đô của cả nước, nơi tập trung nhiều dự án giao thông trọng điểm, tính đến giữa tháng 6 vừa qua mới giải ngân được 17.175 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch vốn được giao (81.000 tỷ đồng).

Các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) mà trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất nên người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường tái định cư, cùng với đó là việc các công trình trọng điểm sử dụng khối nguyên vật liệu lớn, nhưng hiện nguồn cung không đủ… đã khiến cho tỷ lệ giải ngân của Hà Nội chưa như mong đợi.

TP. Hồ Chí Minh cũng tình trạng tương tự, những khó khăn vướng mắc “níu” việc giải ngân chậm lại cũng xuất phát từ việc GPMB, đền bù tái định cư và thiếu nguồn nguyên liệu cát.

Do đó, theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, với nguồn vốn ĐTC được giao trong năm 2024 trên 79.263 tỷ đồng, nhưng ước đến hết tháng 6, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân được trên 11.005 tỷ đồng, đạt 13,88% kế hoạch.

Theo Bộ Tài chính, những vướng mắc, khó khăn trong việc giải ngân vốn ĐTC năm 2024 đã được Bộ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng tháng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ĐTC 6 tháng đầu năm còn bị ảnh hưởng bởi một lượng tương đối lớn vốn ngân sách trung ương (NSTW) 11.916 tỷ đồng mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, nên khó có thể giải ngân kịp thời nguồn vốn này trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT), dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp đã kéo tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt thấp.

Triển khai quyết liệt các giải pháp

Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp sẽ dồn “gánh nặng” vào 6 tháng cuối năm. Do đó, để đưa một lượng vốn lớn vào xã hội từ nay đến cuối năm, rất cần sự quyết liệt hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, với vai trò và trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương được giao bổ sung vốn NSTW từ nguồn tăng thu năm 2022 cần khẩn trương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm căn cứ giải ngân vốn trong thời gian tới.

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, ngày 24/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã có Công văn số 6503/BTC-ĐT về việc công khai giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án sạt lở sông, biển sử dụng dự phòng NSTW năm 2023 với nhiều dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân dưới 5%. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu triển khai các đề xuất của Bộ Tài chính tại văn bản này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn được phép kéo dài sang năm 2024, trong đó lưu ý đối với nguồn vốn NSTW chỉ được kéo dài và giải ngân đối với danh mục và số vốn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thông báo tại văn bản số 3922/BKHĐT-TH về việc thông báo kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 sang năm 2024. Việc thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản số 5717/BTC-ĐT ngày 4/6/2024; vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương tình mục tiêu quốc gia; vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đức cũng cho biết thêm, tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 21/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn NSTW đến năm năm 2024 đối với 38 dự án của các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, đối với số vốn chưa phân bổ năm 2024 dự kiến bố trí cho các dự án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KHĐT có hướng dẫn để thống nhất thực hiện.

Liên quan đến việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số bộ, Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, nội dung này Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, theo quyết định phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 từ nguồn tăng thu NSTW 2022, Bộ GTVT tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư và kế hoạch vốn cho Sở GTVT các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ngãi (là các đơn vị không trực thuộc Bộ GTVT) để thực hiện đầu tư các dự án: Tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; nâng cấp, cải tạo quốc lộ 24B đoạn Km23 - Km29.

“Để thống nhất thực hiện và đủ cơ sở pháp lý thực hiện kiểm tra phân bổ, phê duyệt dự toán trên Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn năm cho các dự án, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHĐT khẩn trương có ý kiến về việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số bộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 28/2/2024 của Văn phòng Chính phủ” - ông Đức cho biết.

Bộ Tài chính đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 6503/BTC-ĐT về việc công khai giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT), dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án sạt lở sông biển sử dụng dự phòng NSTW năm 2023. Tại văn bản đã chỉ ra nhiều dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân dưới 5%.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND cấp tỉnh phân bổ đủ kế hoạch vốn ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2024 cho các dự án theo đúng quy định và khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn NSTW năm 2024 từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 để triển khai thực hiện.

Đề nghị Bộ GTVT và UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC theo đúng các nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành, nhà thầu và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước; chủ động điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị gửi các bộ có liên quan để tổng hợp theo quy định.