Chủ động thích ứng với biến động thị trường
Liên quan đến thị trường xuất khẩu, dù giữ vị thế là nền kinh tế xuất khẩu chủ lực trong gần mười năm qua, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục đối mặt với các biến động lớn, từ sự thay đổi chính sách thương mại đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn đang phải chịu tác động mạnh mẽ từ những biến động này.
![]() |
Hàng hóa xuất nhập khẩu chờ thông quan tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức. Ảnh: Đỗ Doãn |
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp phải có chiến lược thích ứng linh hoạt, bởi sự thay đổi trong chính sách thương mại quốc tế từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc đang tạo ra những thách thức đáng kể; đồng thời, các biện pháp bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, khiến dòng chảy hàng hóa trở nên khó đoán và làm gia tăng rủi ro đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
''Chi phí logistics cũng là một rào cản lớn. Giá cước vận tải biển, chi phí kho bãi và vận hành logistics ngày càng cao, tạo áp lực lên khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu chi phí'' - ông Nam nói.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%, nhập khẩu tăng 16,7%, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD. |
Theo ông Đặng Thanh Sơn - Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các hãng tàu lớn trên thế giới thực hiện tái cấu trúc, cùng sự điều chỉnh tuyến vận chuyển, sáp nhập hoặc cắt giảm số lượng chuyến, gây ảnh hưởng đến lịch trình xuất nhập khẩu và biến động giá cước vận tải. Không chỉ vậy, các tiêu chuẩn phát triển bền vững cũng đang đặt ra yêu cầu mới đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
''Các thị trường nhập khẩu lớn như EU và Mỹ đang siết chặt các quy định liên quan đến chuỗi cung ứng xanh, giảm phát thải carbon và áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích nghi bằng cách chuyển đổi sang mô hình logistics bền vững, tối ưu hóa năng lượng trong vận tải và sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường'' - ông Sơn khuyến nghị.
![]() |
Đơn giản hóa thủ tục hải quan góp phần kéo giảm chi phí logisitics cho doanh nghiệp. Ảnh: Đỗ Doãn |
Gia tăng hiệu quả hoạt động logistics
Chia sẻ về các giải pháp tăng cường hiệu quả logistics hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, PGS. TS Hồ Thị Thu Hoà - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam cho rằng, cần tối ưu hóa hệ thống logistics bằng những giải pháp kết nối mới để nâng cao hiệu quả vận hành. Một trong những giải pháp quan trọng là tối ưu hóa tính kết nối khu vực nhằm giảm thời gian chờ, giảm chi phí và tăng hiệu quả kết nối, lưu thông hàng hóa, bao gồm mở rộng cảng biển, nâng cấp kho bãi và tăng cường kết nối giữa các trung tâm logistics trong nước.
''Bên cạnh đó, sự phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp logistics, hiệp hội ngành nghề và cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các chính sách hỗ trợ về thuế, ưu đãi tài chính và đơn giản hóa thủ tục hải quan cần được đẩy mạnh để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh…'' – bà Hòa nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, dù đứng trước nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn luôn có được sức bật mạnh nhờ vào sự chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo và những chiến lược phát triển bền vững. Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với những nỗ lực tối ưu hóa logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh, đang mở ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và thúc đẩy hợp tác chiến lược với các đối tác toàn cầu sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam không chỉ duy trì vị thế trung tâm sản xuất và thương mại trong khu vực, mà còn vươn xa hơn trên bản đồ kinh tế thế giới.
Ngành logistics Việt Nam hiện đang đối mặt với những vấn đề cấp bách như hiện đại hóa hạ tầng, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới, những biến động mới của ngành vận tải biển... |