Bổ sung vốn dự án đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp kịp thời để tăng giải ngân trong quý I/2023
Hồ Krông Pách thượng (Đắk Lắk) sẽ cấp nước tưới cho 14.900 ha đất nông nghiệp.

Giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp đạt hơn 8%

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao vốn đầu tư công năm 2024 là 9.935,4 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 8.421,2 tỷ đồng, vốn vay ODA là 1.514,4 tỷ đồng.

Các dự án vốn trong nước có 298 dự án, dự án thành phần. Cụ thể, các dự án chuyển tiếp có 6 dự án, gồm 4 dự án được giao vốn là: Hồ Cánh Tạng, Hòa Bình; hệ thống thủy lợi (HTTL) Ngàn Trươi giai đoạn 2; HTTL Khe Lại - Vực Mấu; Hồ Bản Mồng, Nghệ An và 2 dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn từ đầu năm cần hoàn thiện thủ tục là: Hồ chứa nước Sông Chò 1, Khánh Hòa; Hồ Krông Pách Thượng, Đắk Lắk.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản (số 1332/BNN-KH ngày 27/02/2024) đề xuất danh mục kéo dài thời gian thực hiện cho 8 dự án, tương ứng 116,5 tỷ đồng.

Các dự án trung hạn giai đoạn 2021-2025 gồm:

Các dự án thủy lợi, đê, kè tổng cộng có 142 dự án/dự án thành phần, trong đó: 82 dự án đã khởi công; 42 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư (chưa khởi công); 11 dự án đang hoàn thiện chờ phê duyệt; 7 dự án chưa thực hiện trong trung hạn này.

Dự án nông lâm, thủy sản, viện trường tổng cộng có 147 dự án/dự án thành phần, trong đó: 82 dự án đã khởi công; 38 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư (chưa khởi công); 20 dự án đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để trình duyệt; 7 dự án chưa thực hiện trong trung hạn này...

Như vậy, tính đến ngày 5/3, Bộ NN&PTNT giải ngân vốn đầu tư công đạt 834 tỷ đồng, bằng 8,4% kế hoạch. Bộ NN&PTNT nhận định, đến thời điểm này giải ngân tuy cao hơn các năm trước, nhưng vẫn thấp vì các chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn kế hoạch 2023 đến 31/1/2023, ảnh hưởng nghỉ Tết Nnguyên đán 2024...

Bổ sung vốn dự án đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp kịp thời để tăng giải ngân trong quý I/2023
Hồ Sông Cái chứa 220 triệu m3 nước, "giải khát" cho vùng đất sa mạc Ninh Thuận.

Đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách 5.500 tỷ đồng

Bộ NN&PTNT đánh giá, năm 2024 là mốc quan trọng để hoàn thành các khối lượng cơ bản của từng dự án, đặc biệt là các công trình đòi hỏi yếu tố kỹ thuật thi công trong 2 năm (đập đất, trạm bơm …). Với số vốn kế hoạch năm 2024 được giao như hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 60%. Bộ đã có văn bản (số 1333/BNN-KH ngày 27/02/2024) đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024, với số vốn là 5.500 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí dự kiến bổ sung nêu trên việc bổ sung kinh phí sẽ hoàn thành giải ngân trong năm 2024. Tuy nhiên, về thời gian bổ sung vốn cần trong cuối quý II/2024 hoặc đầu quý III/2024 mới đảm bảo tiến độ giải ngân các dự án.

Tổng vốn dự án ODA giao năm 2024 là 695 tỷ đồng (vốn nước ngoài 515 tỷ đồng, vốn đối ứng 180 tỷ đồng) bố trí cho 12 dự án; vốn nước ngoài chưa phân bổ 819,14 tỷ đồng), do không có khả năng giải ngân. Bộ NN&PTNT đã có văn bản (số 1333/BNN-KH ngày 27/2/2024) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị trả số vốn chưa phân bổ.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, quá trình thực hiện phải thực hiện nhiều thủ tục như chuyển mục đích sử dụng rừng; quy hoạch kế hoạch; thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; xin ý kiến các bộ, ngành; chiến lược phát triển; phụ thuộc vào địa phương bố trí kinh phí để thực hiện công tác đo đạc địa chính, lập giá đất…

Đối với nhóm dự án ODA, cụ thể: dự án JICA3 vượt tổng mức đầu tư phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án thành phần thuộc chương trình “Kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện", Ban Quản lý dự án dạy nghề thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án năm 2024.

Đó là những nguyên nhân khách quan sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT trong năm 2024.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Bộ NN&PTNT cần sớm có vốn trong quý II/2024 (bổ sung thêm 5.500 tỷ đồng) để kịp thời triển khai dự án đáp ứng yêu cầu tiến độ... Trong đó, đề nghị điều chỉnh vốn lần 1 trước ngày 15/3/2024 để tăng giải ngân quý I/2023. Đồng thời, yêu cầu các địa phương có các dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình, Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, Công trình thủy lợi hồ Ia Mơr, tỉnh Gia Lai, Hồ Khe lại Vực mẫu, đặc biệt dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Các đơn vị được giao đầu mối quản lý dự án, các chủ đầu tư đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư để đến 31/3/2024 giải ngân đạt tối thiểu 30% kế hoạch được giao.

Nhấn mạnh việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là công tác trọng tâm trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tổ chức hội thảo về công tác này để tháo gỡ các vướng mắc. Cùng với đó, bộ này sẽ phối hợp với các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ và nhà tài trợ để hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và thông qua một số gói thầu xây lắp để sớm tiếp tục triển khai dự án JICA 3.

Tỷ lệ giải ngân tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 89,5% và tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài 2022 đạt 65,2%.