Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, cho hay sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu sâu rộng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng. Tuy nhiên, nước ta đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi mô hình tăng trưởng truyền thống dựa trên gia tăng vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã chạm ngưỡng giới hạn.

Xây dựng Chiến lược quốc gia về kinh tế sáng tạo
TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Anh

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam phải không ngừng đổi mới, cả về tư duy, cách làm và mô hình để sáng tạo ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, CIEM chủ động nghiên cứu đưa ra cách tiếp cận toàn diện, gắn cơ sở khoa học với kinh nghiệm quốc tế và cách tư duy chính sách thực tiễn nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Báo cáo phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.

Xây dựng Chiến lược quốc gia về kinh tế sáng tạo
Xây dựng chiến lược quốc gia về kinh tế sáng tạo. Ảnh: minh hoạ

Báo cáo đưa ra các khuyến nghị nhằm phát triền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, đề cao việc cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số; tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam.

"Báo cáo sẽ tiếp tục được CIEM hoàn thiện, để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua phát triển kinh tế sáng tạo. Đặc biệt là hướng tới xây dựng một chiến lược quốc gia về kinh tế sáng tạo." - TS Hồng Minh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có những cơ hội quan trọng cho phát triển kinh tế sáng tạo, nhờ chuyển đổi số, sự phục hồi và vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch, thị trường trong nước có quy mô tương đối lớn và hợp tác quốc tế. Việt Nam cũng phải xử lý những thách thức liên quan đến cạnh tranh từ thị trường quốc tế, khả năng thích ứng trước tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ và “sức ỳ” của thể chế.