Quyết tâm đổi mới của Chính phủ tạo động lực cho các địa phương phát triển Hà Nội đặt tên 38 đường và điều chỉnh độ dài 9 tuyến phố Hà Nội dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Ông Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.
Ông Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.

Cắt giảm, tiết kiệm khoảng 2.700 tỷ đồng

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022, ông Hà Minh Hải cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, trách nhiệm của tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, sự điều hành linh hoạt, đúng pháp luật của chính quyền Thành phố và sự nỗ lực của ngành Thuế Thủ đô, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn năm 2021 là 265.755 tỷ đồng, đạt 112,8% dự toán Trung ương giao; đạt 105,7% dự toán Thành phố giao.

Thành phố nghiêm túc thực hiện tiết kiệm, cắt giảm dự toán chi thường xuyên theo Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hết năm, ngân sách các cấp cắt giảm, tiết kiệm khoảng 2.700 tỷ đồng.

Ngân sách các cấp cũng đã bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định là 2.129,5 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 theo các chính sách của Trung ương và Thành phố với tổng kinh phí là 1.786 tỷ đồng.

Thành phố đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chi từ ngân sách Thành phố hỗ trợ thêm 70% mức của Trung ương cho các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19.

Chi ngân sách địa phương TP. Hà Nội đến hết ngày 31/12/2021 là 73.858 tỷ đồng, đạt 76,0% so với dự toán Trung ương giao đầu năm, bằng 84,0% so với số quyết toán chi năm 2020.

“Các kết quả đạt được về điều hành tài chính – ngân sách trong năm 2021 của thành phố Hà Nội là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo giải quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực, có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Tài chính” – ông Hải nói.

Trong năm 2021, Thành phố đã nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Tài chính để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ về tài chính-ngân sách của Thành phố, theo đó, Bộ Tài chính đã trả lời, hướng dẫn Thành phố 18 nhóm nội dung, vấn đề như sắp xếp, xử lý tài sản công; quản lý tài chính doanh nghiệp; kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19;…

Bố trí 900 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi

Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022, nhiệm vụ đầu tiên mà TP. Hà Nội tập trung là triển khai quyết liệt, kịp thời kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

“Dành nguồn lực ngân sách Thành phố để hỗ trợ cho vay ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó, năm 2022 đã bố trí 900 tỷ đồng, nâng tổng nguồn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách là 5.600 tỷ đồng” – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu.

Cùng với đó là thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn quận, huyện, thị xã, trọng tâm là khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

Một nhiệm vụ nữa cũng được Thủ đô ưu tiên là điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đúng quy định, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững cân đối ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao, trong đó, ngay trong quý I/2022, phấn đấu hoàn thành tối thiểu 27% dự toán trung ương giao), triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách tài chính trên địa bàn.

Các nhiệm vụ khác cũng sẽ được tăng cường như quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước và các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngân sách.