Dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu

Theo số liệu thống kê tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn tính đến thời điểm cuối năm 2023 trên 1.875 tỷ đồng, giảm trên 534 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, tổng số nợ chuyên thu quá hạn phát sinh trước năm 2023 được thu hồi và xử lý hơn 685 tỷ đồng, đạt 85,1% so với chỉ tiêu được giao (805,3 tỷ đồng).

Đơn vị cũng tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành 86 quyết định xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi với tổng số nợ được xóa lũy kế khoảng 11 tỷ đồng, ban hành 42 quyết định khoanh nợ với tổng số nợ được khoanh 28,7 tỷ đồng (chiếm 1,8% so với tổng số nợ khó thu của toàn đơn vị).

Hàng hóa chờ thông quan tại cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn
Hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu chờ thông quan tại cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Chia sẻ về xử lý nợ thuế khó đòi tại các chi cục hải quan trực thuộc, ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, cho biết ròng rã hàng chục năm trời, cơ quan hải quan đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ, theo Luật Quản lý thuế (trừ 2 biện pháp khó áp dụng là kê biên tài sản doanh nghiệp và phối hợp với cơ quan thuế địa phương tạm ngưng sử dụng hóa đơn) nhưng đều không hiệu quả, do hầu hết những doanh nghiệp nợ thuế này đều không hoạt động, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định gồm: trích tiền từ tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên, bán đấu giá tài sản; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề…

Thậm chí có nhiều trường hợp, chi cục hải quan đã lập hồ sơ nợ thuế, chuyển cho cơ quan công an để phối hợp truy tìm giám đốc doanh nghiệp, yêu cầu nộp thuế, nhưng do doanh nghiệp ngưng hoạt động, giám đốc thuê mướn đứng tên nên cũng không có tác dụng.

Các trường hợp này cũng không đủ điều kiện để được xóa nợ thuế theo hướng dẫn tại Thông tư 179/2013/TT-BTC ngày 2/12/2013 của Bộ Tài chính, khiến cơ quan hải quan cứ phải "ôm" mãi món nợ khó đòi hết năm này đến năm khác. Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế phải tuần tự theo quy định như hiện nay cũng chưa đạt hiệu quả cao, do cơ quan hải quan phải thu thập thông tin và phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, thực hiện hàng loạt thủ tục nên mất nhiều thời gian…

‘‘Thực tế thu hồi nợ thuế của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho thấy, giải pháp hữu hiệu vẫn là cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng giải pháp này chỉ hiệu quả đối với doanh nghiệp nợ thuế còn hoạt động’’ – ông Nghiệp nhấn mạnh.

Kiến nghị sửa luật để tăng hiệu quả thu hồi nợ thuế

Ngoài các biện pháp cưỡng chế theo Khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh còn áp dụng tạm dừng xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế (theo Điều 66 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế). Biện pháp này đã thu hồi nợ thuế về cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Ảnh Đỗ Doãn

Xử lý hồ sơ thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Từ thực tế này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Hải quan bổ sung quy định chi tiết về quy trình xác minh thông tin người nộp thuế để thực hiện hiệu quả các biện pháp cưỡng chế, bởi thực tế đã phát hiện người đại diện pháp luật của doanh nghiệp chỉ là người làm thuê (không có quyền quyết định việc kinh doanh) hoặc bị sử dụng giấy tờ cá nhân để đăng ký là người đại diện pháp luật mà không biết.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng báo cáo Tổng cục Hải quan kiến nghị sửa đổi các quy định trong Luật Quản lý thuế. Cụ thể là bổ sung khoản 7 Điều 124 (tạm hoãn xuất cảnh, nhập cảnh người đại diện pháp luật của doanh nghiệp), theo hướng bổ sung thành viên hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, giám đốc hoặc tổng giám đốc, thành viên hợp danh vào diện tạm hoãn xuất cảnh giống với người đại diện pháp luật, cùng chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh còn đề xuất sửa đổi Điều 19 Luật Quản lý thuế theo hướng bổ sung quyền hạn của cơ quan quản lý thuế; cụ thể là yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh không thực hiện việc đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian cơ quan quản lý thuế đang tiến hành xử lý các hành vi vi phạm của doanh nghiệp về pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan.

Đối với khoản 5 Điều 39 Luật Quản lý thuế, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: Trước khi thực hiện đăng ký kinh doanh, người nộp thuế phải đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế trước khi chấm dứt hiệu lực của mã số thuế, bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thực hiện thủ tục đóng mã số thuế dù vẫn còn nợ thuế tại cơ quan hải quan, nên cần thiết quy định rõ người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ tại cơ quan quản lý thuế (bao gồm cơ quan thuế và cơ quan hải quan).