Hệ thống Kho bạc - nhiều cải cách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Phát huy vai trò của cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn

Đầu tư công (ĐTC) luôn được coi là động lực tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đây là nguồn vốn đặc biệt quan trọng trong việc nâng cấp, mở rộng, xây mới, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông.

Theo ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước (KBNN), tỷ lệ giải ngân ĐTC năm 2023 là kết quả từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, doanh nghiệp thi công, xây lắp, nhà thầu…

Hoàn thành nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng

Trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2023, nhờ giải ngân vốn tích cực, cả nước đã khởi công và hoàn thành nhiều công trình, dự án hạ tầng cơ sở quan trọng. Trong đó, ngành Giao thông vận tải đưa gần 700 km đường bộ cao tốc vào sử dụng, góp phần tiến tới mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.

Về phía KBNN, ông Hà cho biết, phát huy vai trò là cơ quan thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn, ngay từ đầu năm 2023, KBNN đã chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2023, tiến độ giải ngân vốn ĐTC của cả nước rất chậm so với kế hoạch. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo, điều hành. “Trên cơ sở đó, KBNN đã lập tức yêu cầu toàn hệ thống tìm mọi biện pháp, giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân. Vào giai đoạn nước rút, KBNN tiếp tục yêu cầu hệ thống giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, đáp ứng nhu cầu chi trả NSNN trong tháng cuối năm 2023 và đầu năm năm 2024” - ông Hà cho biết.

Với khối lượng công trình đã hoàn thành, tất cả hồ sơ thanh toán đủ điều kiện gửi đến KBNN qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của kho bạc đều được thanh toán ngay trong ngày đối với khoản thanh toán trước, kiểm soát sau. Đối với những khoản phải kiểm soát trước, thanh toán sau theo quy định cũng đều được KBNN kiểm soát, thanh toán trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

“Quan điểm của KBNN là không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không có lý do. Do đó, hồ sơ thanh toán tắc ở khâu nào đều được xem xét, xử lý ngay. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT nên đã tránh được tình trạng xử lý hồ sơ thanh toán chậm, muộn với bất cứ lý do gì, do hệ thống này có phần mềm giám sát quá trình xử lý hồ sơ” - ông Hà nhấn mạnh.

Ghi nhận sự nỗ lực của nhiều địa phương

Hệ thống Kho bạc - nhiều cải cách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Ảnh minh họa.

Năm 2023, nhiều địa phương trong cả nước có tỷ lệ giải ngân đạt và vượt so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho từ đầu năm. Kết quả này là sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tại địa phương, bên cạnh đó là sự góp sức không nhỏ của cơ quan kho bạc đóng trên địa bàn.

Theo báo cáo từ KBNN Hà Nội, tổng kế hoạch vốn ĐTC năm 2023 của thành phố là 51.293 tỷ đồng. Kết thúc thời hạn giải ngân kế hoạch vốn, Hà Nội đã hoàn thành và vượt xa kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân cao của 1 trong 2 đầu tàu kinh tế đã giúp cho tỷ lệ giải ngân của cả nước tăng lên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc KBNN Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, ngoài việc tập trung chỉ đạo các đơn vị KBNN trực thuộc chuẩn bị đủ lượng vốn để kịp thời thanh toán cho các nhà thầu theo đúng chế độ, bảo đảm vốn thi công công trình, KBNN Hà Nội đã chủ động nắm chắc tình hình giải ngân vốn ĐTC kế hoạch năm 2023 của từng dự án, nhất là các dự án có quy mô lớn, công trình trọng điểm của thành phố có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, theo Giám đốc KBNN Hà Nội, đơn vị đã tích cực tham gia Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của thành phố để thường xuyên nắm bắt các khó khăn, vướng mắc thực tế của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA), từ đó phối hợp cùng các sở, ban, ngành đề xuất, tham mưu với UBND thành phố có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư trong giải ngân nguồn vốn; khẩn trương hoàn thành hồ sơ thanh toán; thực hiện thanh toán ngay với kho bạc khi có khối lượng nghiệm thu.

Ngoài ra, theo bà Hương, công tác giải ngân vốn vẫn bị dồn vào thời điểm cuối năm. Vì thế, KBNN Hà Nội đã bố trí cán bộ, công chức làm thêm giờ để bảo đảm thanh toán kịp thời vốn cho các dự án, công trình.

Bình Dương cũng là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao năm 2023 khi đạt 134% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ. Kết quả này có sự đóng góp của KBNN Bình Dương trong việc tập trung kiểm soát thanh toán kịp thời nguồn vốn ĐTC theo đúng quy định. Đặc biệt, KBNN Bình Dương đã linh hoạt áp dụng các quy trình thanh toán trước - kiểm soát sau và kiểm soát trước - thanh toán sau giúp cho nguồn vốn đến nhanh được các dự án, công trình.

Bên cạnh đó, KBNN Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do; tập trung đẩy mạnh giao dịch qua DVCTT nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư; công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại đơn vị, hoàn thành đúng kế hoạch đảm bảo được tiến độ giải ngân trên địa bàn.

Để thúc đẩy giải ngân giúp tăng trưởng kinh tế của địa phương, phía KBNN Ninh Thuận đã lưu ý các chủ đầu tư cần xác định lộ trình giải ngân, có khối lượng đến đâu thì nghiệm thu hoàn thành và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ để thanh toán, giải ngân vốn đến đó, hạn chế để dồn hồ sơ thanh toán vào thời điểm cuối năm.

Đặc biệt, để hạn chế thấp nhất những sai sót, buộc kho bạc phải từ chối thanh toán, chủ đầu tư phải bổ sung hoàn thiện nhiều lần, KBNN Ninh Thuận đã chỉ ra những tình huống sai sót thường lặp đi lặp lại để chủ đầu tư lưu ý, tổ chức kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ với chứng từ kế toán, bảo đảm thông tin, số liệu đề nghị thanh toán phù hợp với quy định, được kho bạc tiếp nhận, kiểm soát, thanh toán ngay từ lần đầu.

Theo ông Lê Thái Vỹ - Giám đốc KBNN Ninh Thuận, thực hiện tốt các nhóm giải pháp này đã giúp giảm thiểu nguyên nhân chủ quan gây ra sự chậm trễ trong việc thanh toán cho nhà thầu. Từ đó KBNN Ninh Thuận đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ĐTC trên địa bàn…

Theo dự báo, trong năm 2024, nền kinh tế của cả nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó ĐTC vẫn được nhận định là động lực tăng trưởng hàng đầu. Để nguồn vốn ĐTC chảy vào từng “huyết mạch” xã hội, với vai trò của mình, KBNN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm soát, thanh toán trên DVCTT và áp dụng linh hoạt 2 hình thức thanh toán “Kiểm soát trước, thanh toán sau” và “Thanh toán trước kiểm soát sau”. Đồng thời, KBNN tiếp tục thực hiện kiểm tra, nắm bắt, đôn đốc tình hình giải ngân tại các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thực hiện khảo sát về những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công

Để giúp cho công tác giải ngân được nhiều thuận lợi, trong năm 2023, KBNN đã thực hiện khảo sát khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Với các ý kiến tham gia đánh giá đã giúp KBNN nắm bắt được thông tin trực tiếp từ chủ đầu tư, ban quản lý dự án làm căn cứ đề xuất các giải pháp tham mưu với các cơ quan cấp trên và các cấp chính quyền địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân.