Hội thảo liên quan đến phát triển bền vững này do Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Trường Kinh tế - Đại học Cần Thơ tổ chức, thu hút nhiều chuyên gia tài chính, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quan tâm tham dự.

PGS.TS Hồ Thủy Tiên phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn
PGS.TS Hồ Thủy Tiên phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

Chủ trương lớn của Chính phủ

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Hồ Thủy Tiên - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, phát triển bền vững đang là mục tiêu chiến lược quan trọng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững thì tài chính là một trong những vấn đề quan trọng quyết định sự thành công của chiến lược này.

Ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030, xác định Việt Nam cần xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Việc hoàn thiện chính sách thu ngân sách nhà nước sẽ hướng đến mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế để bao phủ được các nguồn gây ô nhiễm môi trường; điều chỉnh mức thuế suất phù hợp với các đội tượng chịu thuế nhằm tác động đến hành vi sản xuất và tiêu dùng các loại hàng hoá có tác động xấu đến môi trường; hoàn thiện các quy định khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường.

Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

‘‘Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ cũng như được các nhà nghiên cứu trong nước quan tâm…’’ - bà Thủy Tiên nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích xoay quanh những nội dung liên quan đến phát triển bền vững như nền tảng lý thuyết, các chính sách, nguồn lực tài chính Việt Nam cho phát triển bền vững; thực trạng phát triển bền vững trong nền kinh tế tại một số nước và giải pháp cho Việt Nam…

Trước đó, ban tổ chức hội thảo cũng nhận được khoảng 70 bài viết từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Các bài viết được phản biện độc lập và ban tổ chức đã lựa chọn ra 51 bài đăng kỷ yếu có nội dung nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững.

TS Lê Thị Thùy Vân nêu giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Ảnh Đỗ Doãn
TS. Lê Thị Thùy Vân nêu các giải pháp tài chính thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Ảnh Đỗ Doãn

6 giải pháp tài chính thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nêu thực trạng thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời khuyến nghị các giải pháp tài chính thúc đẩy thực hiện mục tiêu này.

Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN); nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất đối với các chương trình, dự án liên quan đến bảo vệ môi trường.

Kế đến là đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường; tháo gỡ những rào cản đối với đầu tư xanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ quản trị rủi ro, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong các dự án xanh (kinh nghiệm của Anh).

Tiếp theo là phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) xanh nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững; áp dụng thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) tại các sở giao dịch chứng khoán hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong lĩnh vực chứng khoán (kinh nghiệm của Nam Phi).

Quang cảnh hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn
Quang cảnh hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

Tiếp nữa là, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và những quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm bảo hiểm xanh để thiết kế chính sách hiệu quả hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm bảo hiểm xanh; đồng thời nâng cao vai trò của truyền thông để tăng cường nhận thức của người dân và trách nhiệm xã hội của ngành bảo hiểm trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và trong nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng bền vững.

Giải pháp cuối là xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng được hỗ trợ các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng có thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh…

‘‘Chính phủ có thể hỗ trợ thành lập một tổ chức tài chính được đánh giá và cấp giấy phép xanh cho các doanh nghiệp và cấp bảo lãnh tín dụng cho các công ty có giấy phép xanh (kinh nghiệm Hàn Quốc), hoặc ngân hàng trung ương xây dựng các hướng dẫn cho các ngân hàng để thực hiện các chiến lược để cải thiện môi trường, hướng dẫn tiêu chuẩn xếp hạng theo tiêu chí ngân hàng hiệu quả xanh (kinh nghiệm Ấn Độ)’’ - bà Thùy Vân nói.

Ưu tiên hỗ trợ về lãi suất và các điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đầu tư thân thiện với môi trường như cấp tín dụng ưu đãi cho dự án giảm CO2, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, sản phẩm sạch; các dự án tiết kiệm năng lượng, nước, nhiên liệu…