Thêm những quy định cụ thể

Thông tư 12/2021/TT-NHNN (Thông tư 12) của Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 27/10. Văn bản pháp lý này quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.

Hiệu ứng phụ khi ngân hàng “say sưa” với trái phiếu

Thông tư cũng quy định khá đầy đủ các tình huống liên quan đến việc ngân hàng mua bán trái phiếu (và các loại giấy tờ có giá) do ngân hàng khác đã phát hành trong nước chưa đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, thông tư này không điều chỉnh đối với các hoạt động mua, bán giấy tờ có giá của ngân hàng trên thị trường quốc tế; mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành được Chính phủ bảo lãnh.

Cụ thể, Thông tư 12 quy định, các ngân hàng được mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với nội dung ghi trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp. Bên mua, bên bán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với quy định tại thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

1/4 số trái phiếu ngân hàng phát hành được ngân hàng khác mua vào

Theo số liệu thống kê của Công ty chứng khoán SSI, trong 6 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng phát hành 68,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,37 năm và lãi suất bình quân

4,3%/năm. Nhà đầu tư mua trái phiếu ngân hàng gồm các ngân hàng (17,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 26%); công ty chứng khoán (38,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56%); tổ chức trong nước (10,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15%) và cá nhân (2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3%).

Giấy tờ có giá được mua, bán thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi. Bên bán có cam kết giấy tờ có giá không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang được chiết khấu, tái chiết khấu. Các ngân hàng mua, bán trái phiếu phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, nghị định của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các văn bản khác hướng dẫn Luật Chứng khoán, quy định của pháp luật có liên quan và quy định tại thông tư này.

Đối với giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành, các ngân hàng chỉ được mua, bán với tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Tính 2 mặt

Văn bản pháp lý quy định việc các ngân hàng mua bán trái phiếu của nhau được kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn, giúp các ngân hàng dễ dàng đối chiếu tuân thủ, đồng thời chủ động kiểm soát được rủi ro khi tham gia hoạt động mua bán và phát hành trái phiếu trên thị trường.

Ngoài ra không chỉ các ngân hàng, hoạt động mua bán trái phiếu của các ngân hàng cũng còn có sức ảnh hưởng khá lớn đến nhiều chủ thể khác, bởi ngân hàng trước nay vẫn là đối tượng tham gia mạnh mẽ nhất đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại dẫn đầu với tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 132,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 31,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 24%), 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 - 4 năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu có thể nhằm tăng vốn cấp 2 để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc các ngân hàng mua bán chéo trái phiếu lẫn nhau, theo ông Hiếu, đây là nghiệp vụ bình thường của thị trường này, cũng có điểm tích cực là các ngân hàng nhìn nhận đây là khoản đầu tư có tính thanh khoản tốt.

Dưới góc quan sát của một chuyên gia khác là ông Nguyễn Thành Hòa, Chuyên gia phân tích mảng ngân hàng thuộc Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, thời gian gần đây các ngân hàng ưa thích mua trái phiếu của nhau hơn bởi có thể đang có xu hướng các ngân hàng và công ty bảo hiểm chuyển từ mua trái phiếu chính phủ sang mua trái phiếu ngân hàng. Trước đây, các ngân hàng thường đầu tư tiền nhàn rỗi vào trái phiếu chính phủ, nhưng một phần các ngân hàng có thể sẽ dần muốn để tiền nhiều hơn sang trái phiếu của ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn.

Đánh giá về rủi ro thanh toán, giới chuyên gia vẫn nhìn nhận rằng trái phiếu ngân hàng cũng khá an toàn, vì khả năng ngân hàng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán là gần như không có. Tuy nhiên, rủi ro thanh khoản của trái phiếu ngân hàng hiện vẫn cao hơn trái phiếu chính phủ, bởi lẽ, trái phiếu chính phủ trong những năm gần đây được phát hành định kỳ, đều đặn với quy mô phát hành lớn. Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, tính lỏng (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) của trái phiếu chính phủ hiện đã đủ tốt để thậm chí có thể coi như một loại tài sản ngắn hạn (ngay cả với những loại trái phiếu kỳ hạn dài). Do đó, các tổ chức tài chính có thể dùng vốn ngắn hạn để đầu tư trái phiếu chính phủ mà không sợ các vấn đề rủi ro về thanh khoản.

Trong khi đó, trái phiếu ngân hàng tuy cũng có tính lỏng tốt hơn so với trước đây, nhưng rủi ro thanh khoản của trái phiếu ngân hàng cũng khó đánh giá hơn do kỳ hạn, thời điểm phát hành, chủ thể phát hành, lãi suất… của các đợt phát hành vẫn còn khá phức tạp. Cũng là trái phiếu ngân hàng, có những đợt phát hành quy mô hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cũng có những đợt phát hành nhỏ chỉ một hai trăm tỷ đồng, thậm chí có những đợt chỉ vài chục tỷ đồng. Chưa kể, sự khác nhau về quy mô và uy tín của ngân hàng phát hành cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng bán lại trái phiếu trên thị trường.

Sẽ có quy định mới về ngân hàng mua bán nợ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình mua bán nợ theo Thông tư 09, các ngân hàng phản ánh có phát sinh một số vướng mắc do Thông tư 09 đã có quy định, nhưng chưa hướng dẫn cụ thể để xử lý được một số trường hợp phát sinh trong thực tế. Chẳng hạn như các vấn đề định giá khoản nợ, xử lý chênh lệch tỷ giá, xử lý tài chính đối với trường hợp bên mua nợ là tổ chức tín dụng…

Ngoài ra, thời gian gần đây có hiện tượng tổ chức tín dụng thực hiện bán nợ cho bên mua nợ không phải là tổ chức tín dụng và được thanh toán chậm tiền mua nợ. Hoạt động này được phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng.

Từ các lý do trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật và xử lý được các vấn đề thực tế phát sinh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09 là cần thiết.

Một trong những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung đưa vào dự thảo là việc tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán nợ. Quy định này phải phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; quy trình, phương pháp định giá khoản nợ; quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động mua bán nợ…

Liên quan đến định giá khoản nợ, dự thảo quy định tổ chức tín dụng có quyền thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện nghĩa vụ mua, bán nợ đối với mua bán nợ theo phương thức thỏa thuận, giá khởi điểm đối với mua, bán nợ theo phương thức bán đấu giá để Hội đồng mua, bán nợ quyết định.