Những thông tin trên được ghi nhận tại Hội thảo về ”Hướng tới ATGT đường bộ Việt Nam” (The road to increase traffic safety in Vietnam) diễn ra sáng 8/11 tại, Hà Nội, với sự tham dự của Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg, các chuyên gia Thụy Điển và các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực ATGT.
Hội thảo do Uỷ Ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức nhằm trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế nói chung và Thụy Điển nói riêng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ đó đưa ra những giải pháp về tăng cường ATGT đường bộ tại Việt Nam.
Thực tế, tại Việt Nam, trong thời gian qua, nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, tai nạn giao thông tuy có giảm, nhưng việc giảm vẫn chưa bền vững, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông, hướng tới an toàn giao thông, nhất là an toàn giao thông đường bộ không những là nhiệm vụ có tính quốc tế, nhiệm vụ của mỗi quốc gia và các cơ quan chuyên môn về an toàn giao thông, mà còn là nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân và của mỗi người dân.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tổng thể về công tác bảo đảm trật tự ATGT, như: Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt... với nhiều giải pháp đồng bộ đồng thời đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện thể chế chính sách, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ vận tải đến tăng cường kiểm soát chất lượng của phương tiện, đặt mục tiêu hàng năm giảm từ 5 - 10% tai nạn giao thông ở cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Đặc biệt, là triển khai Chiến lược hướng tới an toàn trong tham gia giao thông với các chính sách, quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ, chi tiết; thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục hành vi giao thông an toàn và văn minh, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý giao thông nhất là giao thông đô thị...
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đều nhất trí cao rằng, việc tổ chức quản lý giao thông, nhất là giao thông đường bộ cần được tập trung hơn vì gần đây cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng nội thành không có do quỹ đất hạn hẹp, việc tham gia giao thông thiếu sự chia sẻ, nhường nhịn, hệ thống thoát nước kém dẫn đến tình trạng ngập úng trên diện rộng mỗi khi có mưa to ở các đô thị lớn của Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Dịp này, các đại biểu đã đề cập tới 4 chiến lược trong giải quyết ùn tắc giao thông gồm: cải thiện hoạt động quản lý giao thông nhằm đạt hiệu quả tối đa về năng lực và lưu thông của mạng lưới đường giao thông; chuyển các thành phần tham gia giao thông sang sử dụng phương tiện công cộng, giảm bớt nhu cầu sử dụng đường, giảm áp lực giao thông; cải tạo hạ tầng nhằm tăng năng lực của đường giao thông hiện có; xây dựng hạ tầng mới...
Riêng với quản lý giao thông đô thị tại Hà Nội, đại diện từ TP Hà Nội cho rằng, cần tăng cường quản lý, tập trung vào:
Thứ nhất, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch, trong đó chú ý tới Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến 2020 theo Quyết định 90/2008/QĐ-TTg; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến 2020, tầm nhìn 2050 theo QĐ 519/TTg; Xây dựng Chương trình tổng thể đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2017-2021, tầm nhìn 2030; Lập quy hoạch các bến bãi đỗ xe, cải tải, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường trục, đường vành đai, cầu hầm nút giao thông, hiện đại hóa các trung tâm điều hành giao thông...
Thứ hai, quy hoạch và thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện ra ngoài khu vực trung tâm. Hiện tại, Hà Nội đã và đang thực hiện di dời 8 bệnh viện; bố trí quỹ đất 279,5 ha tại Hòa Lạc, 42,9ha tại Đông Anh, 423 ha tại Chúc Sơn để di dời các cơ sở giáo dục đại học nghề nghiệp; bố trí quỹ đất để di dời 9 cơ quan bộ, ngành cũng như xác định lộ trình đến 2020 sẽ di dời tới 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên 12 quận ra khỏi nội thành.
Thứ ba, phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng theo hướng: hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị (2A,3), triển khai sớm 6 tuyến còn lại với 67 km ngầm cùng 240 km nổi; phát triển mở rộng phục vụ các tuyến buýt để tăng mức độ bao phủ, rút ngắn thời gian tiếp cận, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị. Theo thống kê của Hà Nội, mạng lưới buýt hiện có 118 tuyến, vận chuyển gần 500 triệu khách/năm, đáp ứng 9% nhu cầu bao phủ 30 quận, huyện, tiếp cận 93% bệnh viện, 42% trường học, 86% các khu công nghiệp, 96% các khu đô thị.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành giao thông đô thị. Trong đó, đầu tư phát triển hệ thống giao thông thông minh. Hiện tại, Hà Nội đang có trên 400 camera giao thông, gần 100% xe buýt và xe liên tỉnh được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đang thí điểm lắp đặt camera đo đếm lưu lượng, phần mềm quản lý duy tu hạ tầng Gov One, phần mềm kiểm soát để xe Iparking, thí điểm thẻ vé trên tuyến BRT 01, xây dựng đề án thu phí phương tiện nội đô... Chú trọng thành lập trung tâm điều hành giao thông thông minh. Hiện, thành phố đang triển khai trung tâm điều hành thông minh (cả hợp phần điều hành giao thông và an ninh công cộng) cũng như triển khai trung tâm giao thông tại số 1 Kim Mã.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, vận động xây dựng văn hóa giao thông và văn minh đô thị, tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự ATGT đô thị.../.
Theo dangcongsan