Khí thải từ phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở nước ta. Ảnh tư liệu |
Lộ trình giảm rõ ràng
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đến năm 2030, tiềm năng giảm phát thải KNK theo "Đóng góp không điều kiện" trong GTVT sẽ giảm 5,9% lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU), tương ứng giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ trong toàn giai đoạn. Cụ thể, năm 2025 giảm 3,4 triệu tấn CO2tđ; năm 2030 giảm 10,61 triệu tấn CO2tđ; giai đoạn đến năm 2030 giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ.
Huy động tối đa mọi nguồn lực để giảm phát thải KNKQuyết định số 876/QĐ-TTg cũng nêu rõ, huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải KNK, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành GTVT. Trong đó, các nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách... kinh phí thực hiện được bố trí chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác. … |
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GTVT đề ra các biện pháp và lộ trình thực hiện. Trong đó, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, đến năm 2030 đảm bảo 100% xe máy đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100km. 100% ô tô con sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu: ô tô con dung tích động cơ <1400cc đạt 4,7 lít>2000cc đạt 6,4 lít/100km. Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới lần lượt là 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Biện pháp chuyển đổi phương thức vận tải hành khách từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đạt tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội là 45% - 50%, TP. Hồ Chí Minh 25%, Đà Nẵng đạt 25% - 35%, Cần Thơ 20%, Hải Phòng 10% - 15%, đô thị loại I đạt ít nhất 5%.
Các biện pháp chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang các phương thức vận tải thân thiện môi trường như đường sắt, đường thủy nội địa và đường ven biển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy và xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển. Cùng với đó là các biện pháp phát triển phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường như: Sử dụng xe buýt CNG, đến 2030 đạt tổng số xe buýt CNG là 623 xe gồm 423 xe tại TP. Hồ Chí Minh và 200 xe tại Hà Nội; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào năm 2030; sử dụng xe máy điện và ô tô điện, đến năm 2030 ô tô điện đạt tỷ lệ sử dụng 30%; xe máy điện chiếm 22% tổng số xe máy sử dụng; sử dụng xe buýt điện, đến năm 2025 bắt đầu sử dụng xe buýt điện và ước đạt tỷ lệ sử dụng 30% vào 2030.
Từng lĩnh vực có lộ trình cụ thể
Trước đó, tại Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành GTVT, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng đã được đề ra đối với từng phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.
Cụ thể, đối với đường bộ, trong giai đoạn 2022-2030, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh...
Với đường sắt, trong giai đoạn 2022-2030, nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa. Đến năm 2040, từng bước đầu tư mới và chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh...
Đối với đường thủy nội địa, trong giai đoạn 2022-2030, khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng dụng điện, năng lượng xanh; Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh, khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh. Trong giai đoạn 2031-2050, tiếp tục khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh...
Về hàng hải, trong giai đoạn 2022-2030, khuyến khích tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải KNK từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2025; Khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh… Từ năm 2050, 100% tàu biển hoạt động tuyến nội địa chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh./.