Hoạt động giao dịch tại KBNN Hưng Yên. Ảnh: Hạnh Thảo
Trong suốt hành trình10 năm qua, KBNN luôn chú trọng đến công tác cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực, hoạt động nghiệp vụ nhằm mang đến cho khách hàng nhiều thuận lợi nhất.
Nhiều thành tựu trên “con đường” đến với kho bạc điện tử
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) và người dân, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2018, công tác CCHC và ứng dụng CNTT hiện đại vào công tác chuyên môn nghiệp vụ luôn được hệ thống KBNN đặc biệt chú trọng, quan tâm.
Theo đó, để thực hiện thống nhất việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN đã thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho hợp đồng thanh toán nhiều lần. Thực hiện quy trình thanh toán này, trình tự các bước công việc và thời gian thanh toán trước của KBNN đã giảm từ 3 ngày làm việc xuống còn 1 ngày làm việc kể từ khi cán bộ KSC nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định mà chủ đầu tư phải gửi đến KBNN (nhận trực tiếp hoặc nhận qua dịch vụ công), KBNN các cấp hoàn thành thủ tục thanh toán theo nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau; đối với các đề nghị thanh toán nhận sau 15 giờ thì xử lý chứng từ vào ngày hôm sau.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, sau thời gian triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại 5 KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tháng 2/2018, KBNN thực hiện triển khai diện rộng cho 63 KBNN tỉnh, thành phố. Song song với đó, KBNN cũng thực hiện nâng cấp phiên bản DVCTT, tinh giảm quy trình thao tác, đáp ứng được quy trình nghiệp vụ của phương án thống nhất đầu mối KSC, đảm bảo rút ngắn tối đa các bước xử lý trên hệ thống dịch vụ công, trên hệ thống TABMIS và hệ thống thanh toán. Đến nay, KBNN đã cung cấp 8/12 TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Qua hiệu quả mang lại, DVCTT được xem là "đòn bẩy" giúp công tác KSC của hệ thống KBNN được an toàn, hiệu quả. KBNN đang định hướng tới hết năm 2019, 100% các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN đều được cung cấp DVCTT ở mức độ 4.
Ông Vinh nhấn mạnh thêm, trong những năm qua, hệ thống KBNN đã đẩy mạnh công tác cải cách TTHC về quy trình, thủ tục, cơ chế thu và hoàn trả các khoản thu NSNN thông qua việc áp dụng CNTT vào quy trình, thủ tục thu nộp NSNN, ủy nhiệm thu NSNN tạo thuận lợi tối đa về thời gian đi lại, chi phí cho người nộp thuế, đồng thời tập trung nhanh được nguồn thu cho NSNN. Cùng với đó, KBNN cũng đẩy mạnh việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó góp phần giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN và hướng tới xây dựng kho bạc không giao dịch bằng tiền mặt. Theo số liệu thống kê đầu năm 2018, tỷ trọng chi bằng tiền mặt so với tổng chi qua KBNN chỉ còn 7,5%, thu bằng tiền mặt qua KBNN chỉ còn 1,94% so với tổng thu qua KBNN.
Ngoài ra, trong năm 2018, KBNN đã chủ động bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời tham mưu với Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh giảm nhiệm vụ phát hành trái phiếu chính phủ và sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để vừa đảm bảo mục tiêu cân đối ngân sách, vừa duy trì mục tiêu phát triển thị trường, ổn định mặt bằng lãi suất chung, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN. Với cách làm này, KBNN đã gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý nợ, hỗ trợ tích cực cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách vay trong năm 2018 thay cho phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường, giúp tiết kiệm gần 1.660 tỷ đồng chi phí trả lãi năm 2019 của NSNN, đóng góp tích cực trong việc tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững như chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đề ra”, ông Vinh chia sẻ.
Triển khai 100% thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, năm 2019 là một năm có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống KBNN khi bước vào giai đoạn cuối thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Do vậy, để làm tốt các nhiệm vụ, ngoài việc tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, KBNN sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng đề án, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, đồng thời xây dựng định hướng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Bên cạnh đó, toàn hệ thống KBNN tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; triển khai 100% các thủ tục hành chính KBNN trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng NSNN có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia dịch vụ công mức độ 4. Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án thống nhất quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN; thực hiện lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của từng đơn vị KBNN trong hệ thống.
Song song với đó, KBNN sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Theo đó, thời gian tới, KBNN tập trung nghiên cứu xây dựng kiến trúc các hệ thống CNTT của KBNN theo hướng hình thành kho bạc điện tử và kho bạc số; xây dựng và triển khai hệ thống Tổng kế toán nhà nước; nâng cấp ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN; nâng cấp chương trình báo cáo nhanh số liệu thu, chi NSNN và huy động vốn hàng ngày; triển khai trên phạm vi toàn quốc chương trình thông báo biến động số dư tài khoản, chương trình thông báo tiến trình xử lý hồ sơ cho các đơn vị sử dụng NSNN.
Ngoài ra, KBNN cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị và nêu cao tinh thần gương mẫu, nêu gương trong thực thi công vụ; thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản nội ngành tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao; nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Vân Hà