Kho bạc Nhà nước: Chú trọng nâng cao nguồn nhân lực cho giai đoạn phát triển mới
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Cần xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao

Kể từ khi tái thành lập đến nay, các chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước (KBNN) liên tục được mở rộng, hoàn thiện. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, KBNN đã kiện toàn, cơ cấu tổ chức đội ngũ cán bộ tại từng giai đoạn phát triển.

Cụ thể, giai đoạn từ khi tái thành lập (năm 1990) đến năm 2005, KBNN tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ (đào tạo đại học) đối với công chức, viên chức có trình độ thấp; đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo và tiêu chuẩn ngạch công chức.

Giai đoạn 2006 - 2010, ngoài đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo và tiêu chuẩn ngạch công chức, công tác đào tạo của KBNN chú trọng đáp ứng triển khai Dự án Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) và thực hiện Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2020.

Đảm bảo công chức, viên chức đáp ứng được tiêu chuẩn vị trí việc làm

Trong giai đoạn phát triển mới, KBNN sẽ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Hàng năm, đảm bảo khoảng 10% - 15% công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và đến năm 2030 có 100% công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn vị trí việc làm theo yêu cầu của Nhà nước và Bộ Tài chính.

Giai đoạn 2011 - 2023, KBNN tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo và tiêu chuẩn ngạch công chức; đào tạo chuyển đổi nhóm công chức, viên chức thay đổi nhiệm vụ (giảm nhiệm vụ kho quỹ). Bên cạnh đó, KBNN tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao (trên đại học) thực hiện nhiệm vụ hoạch định chính sách, phục vụ quá trình hội nhập và phát triển; đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu để triển khai thực hiện các chức năng nhiệm vụ mới.

Với các giải pháp đã thực hiện, cơ cấu trình độ nguồn nhân lực của KBNN đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công chức có trình độ đại học và sau đại học, giảm tỷ trọng công chức có trình độ cao đẳng trở xuống. Đặc biệt, KBNN đã tăng tỷ lệ công chức làm công tác kế toán để triển khai chức năng tổng kế toán nhà nước; tăng tỷ lệ công chức làm công tác thanh tra để thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành; giảm tỷ lệ công chức làm công tác kho quỹ khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt… phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ KBNN, mặc dù quy mô đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng; số lượng công chức, viên chức được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng hàng năm lớn, nhưng số lượng công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo lại không đồng đều. Một vấn đề quan trọng nữa là trước sự phát triển mới, rất cần có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn sâu rộng, có năng lực phân tích, đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp chiến lược trong việc quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả tài chính công.

Vậy nhưng hiện nay, KBNN vẫn còn thiếu các công chức có năng lực hoạch định chính sách và tầm nhìn dài hạn. Hơn nữa, hiện một bộ phận công chức, viên chức hệ thống KBNN cũng còn hạn chế trong việc tiếp cận các công nghệ hỗ trợ triển khai các quy trình nghiệp vụ trong hệ thống KBNN, cũng như kỹ năng ngoại ngữ và khả năng hội nhập quốc tế.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

Từ ngày 1/3/2025, KBNN hoạt động theo mô hình 2 cấp từ trung ương đến địa phương, theo đó, chỉ còn KBNN trung ương và 20 KBNN khu vực. Cùng với đó, KBNN tiếp tục thực hiện Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2030 để tiến tới kho bạc số. Vì thế, trong giai đoạn phát triển này rất cần một đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

KBNN đã đề ra các mục tiêu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho giai đoạn phát triển này, trong đó tập trung đổi mới công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở lấy người học làm trung tâm, bám sát nhu cầu đào tạo từ các đơn vị KBNN trực thuộc và yêu cầu của từng vị trí việc làm; đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý đào tạo; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có yếu tố nước ngoài.

Bên cạnh đó, KBNN tăng cường kiểm soát đầu ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; áp dụng các tiêu chí đánh giá chất lượng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Đặc biệt, KBNN sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo và quản lý đào tạo nhằm tăng cường tính hiệu quả, linh hoạt và tiết kiệm chi phí trong công tác đào tạo. Đồng thời, KBNN thúc đẩy đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức tham gia các khóa học mà không bị giới hạn về thời gian và địa điểm. Các chương trình đào tạo sẽ được thiết kế đa dạng, từ các lớp học trực tiếp đến các khóa học trực tuyến, đảm bảo tiếp cận được nhiều đối tượng trong hệ thống KBNN.

Ngoài ra, KBNN sẽ tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước xây dựng các chương trình đào tạo có yếu tố quốc tế, đồng thời giúp công chức, viên chức tiếp cận với các xu hướng mới nhất trong quản lý tài chính công và NSNN.

Theo KBNN, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hệ thống KBNN không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức mà còn góp phần tạo dựng một hệ thống KBNN hiện đại, chuyên nghiệp, sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong thời kỳ phát triển mới và chuyển đổi số. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố quyết định để hệ thống KBNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Tài chính và nền kinh tế quốc dân.

Kiện toàn bộ máy giúp thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ mới

Việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế của KBNN được thực hiện đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và hiện đại hóa công nghệ quản lý. Các cải cách này đã thay đổi tư duy làm việc từ thủ công sang quản lý, xử lý công việc theo hướng chủ động, chuyên nghiệp thông qua các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, từ đó đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị dự toán và các chủ đầu tư có quan hệ giao dịch với KBNN; góp phần tiết kiệm thời gian, công sức chung cho toàn xã hội và giúp hệ thống KBNN tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy và con người.

Đặc biệt, việc kiện toàn bộ máy còn tạo điều kiện thuận lợi để KBNN triển khai các nhiệm vụ mới liên quan đến việc hoàn thành nền tảng kho bạc số và xây dựng kho bạc số; liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực hiện. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát theo rủi ro đặt nền tảng cơ bản cho việc triển khai Chiến lược phát triển của KBNN đến năm 2030.