Nhiều cải cách giúp khách hàng thuân lợi trong giao dịch

Bà Nguyễn Thị Hải – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình cho biết, để thực hiện các mục tiêu giúp hình thành kho bạc số, KBNN Thái Bình đã thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ, cũng như sắp xếp tinh gọn bộ máy và tăng tính minh bạch trong quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ kho bạc.

Kho bạc Nhà nước Thái Bình: Đẩy mạnh số hóa các giao dịch thu, chi ngân sách
KBNN Thái Bình đã triển khai đồng bộ các hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách điện tử với các ngân hàng thương mại, giúp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Ảnh minh họa: H.T

Với điểm nhấn xây dựng kho bạc số nhằm nâng cao tính an toàn, hiện đại, hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN và chuyển mạnh sang tư duy hành chính phục vụ, KBNN Thái Bình đã hiện đại hóa quy trình kiểm soát chi theo hướng ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và theo đúng các chỉ đạo của KBNN.

Thời gian thanh toán đối với nội dung chi được áp dụng hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” chậm nhất là một ngày làm việc, kể từ khi giao dịch viên nhận đủ hồ sơ và bảo đảm tính hợp pháp, hợp lệ; với nội dung chi được áp dụng hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” tối đa là 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán.

Với điểm nhấn xây dựng kho bạc số nhằm nâng cao tính an toàn, hiện đại, hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN và chuyển mạnh sang tư duy hành chính phục vụ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình đã hiện đại hóa quy trình kiểm soát chi theo hướng ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và theo đúng các chỉ đạo của KBNN.

Thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của KBNN, KBNN Thái Bình đã triển khai đồng bộ các hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM). Đồng thời, KBNN Thái Bình đã áp dụng các hình thức thu nộp NSNN văn minh, hiện đại như ủy nhiệm thu NSNN cho các NHTM trên địa bàn đã thực hiện ký kết phối hợp thu NSNN với kho bạc; phối hợp với cơ quan công an và bưu điện triển khai phối hợp thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua hệ thống bưu điện từ tỉnh đến huyện, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp phạt được lựa chọn nhiều kênh nộp phạt.

Thực hiện lộ trình hướng tới Kho bạc số

Kho bạc Nhà nước Thái Bình: Đẩy mạnh số hóa các giao dịch thu, chi ngân sách
Công chức KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán nguồn vốn NSNN trên DVCTT. Ảnh minh họa: H.T

Thời gian qua, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử. Bà Nguyễn Thị Hải cho biết, từ năm 2022 đến nay, KBNN Thái Bình đã triển khai cho trên 1.400 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT. Hiện số lượng hồ sơ, chứng từ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến đạt xấp xỉ 100% tổng số hồ sơ giao dịch tại KBNN Thái Bình.

Để cùng hệ thống KBNN thực hiện mục tiêu trở thành Kho bạc số, KBNN Thái Bình đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân có giao dịch với kho bạc về định hướng, bước đi, mục tiêu đề ra để nâng cao nhận thức, chủ động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực hiện kho bạc số.

Nhằm thúc đẩy việc triển khai DVCTT và thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ, KBNN Thái Bình đã triển khai thực hiện chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống DVCTT của KBNN.

“Cũng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đó, KBNN Thái Bình đã xử lý được số lượng chứng từ chi NSNN qua DVCTT trung bình từ 1.030 - 1.100 chứng từ/ngày, tháng cao điểm xử lý từ 3.000 - 3.500 chứng từ/ngày. Đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách đã cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN” - bà Hải cho biết.

Bà Hải cũng cho biết thêm, hiện 100% đơn vị trong hệ thống KBNN Thái Bình đã thực hiện chỉ đạo, xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội ngành; sử dụng mạng nội bộ và hộp thư điện tử trong giải quyết công việc; cung cấp thông tin kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành. Đặc biệt, KBNN Thái Bình đã ứng dụng hiệu quả công nghệ hiện đại như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)... để tối ưu hóa các quy trình quản lý, vận hành và cung cấp dịch vụ cho toàn bộ hệ thống kho bạc trong tỉnh.

KBNN Thái Bình cũng đã thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (dịch vụ công trực tuyến - hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) - thanh toán song phương điện tử - chương trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN; tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân giao dịch với kho bạc và phản hồi kịp thời để KBNN hoàn thiện liên thông dữ liệu số.