Khu vực dịch vụ đóng góp chính vào tăng trưởng quý I

Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, là mức gần thấp nhất trong 13 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Đây cũng là mức thấp hơn nhiều kịch bản quý I/2023 (tăng 5,6%) đưa ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; riêng khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp tới 95,91% trong mức tăng trưởng chung.

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ đang thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.

Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% (so với cùng kỳ năm trước).

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I/2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).

Về xuất, nhập khẩu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ quý I ước đạt 5,44 tỷ USD, tăng 238,3%; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 5,66 tỷ USD, giảm 4,3%.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm là rất thách thức

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung quý I/2023, cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8%. Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2023 là 756,7 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8%.

Chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt theo giá xăng dầu, thực phẩm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 đã giảm 0,23% so với tháng trước, dù vẫn tăng 0,74% so với tháng 12/2022 và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 3 có xu hướng giảm là do giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới. Tính chung quý I/2023, CPI vẫn tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,18%) và là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10%; nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2023 lên gần 57 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,4%.

Cũng trong quý I/2023, có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4%. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 71,1%).

Theo bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, đây là lần đầu tiên trong quý I của các năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Mức vốn đăng ký cũng thấp nhất trong các quý I kể từ năm 2016 đến nay.

Bình luận về kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, với mức tăng trưởng quý I là 3,32%, việc đạt mức tăng trưởng 6,5% năm nay như kế hoạch là hết sức khó khăn. Nếu muốn đạt mức tăng trưởng khoảng 6%, các quý còn lại phải đạt mức tăng trưởng gần 7%. Còn nếu muốn đạt tăng trưởng 6,5% cả năm thì 3 quý tiếp theo phải tăng trưởng hơn 7,5%.

Đây là nhiệm vụ thách thức lớn với cả nước trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, đòi hỏi phải hết sức linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện, quyết tâm theo đuổi kế hoạch ở từng tháng, quý. Đặc biệt là quyết tâm giải ngân tối đa đầu tư công tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cả trước mắt, lâu dài.

* Ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế năm 2023

Ông Lê Trung Hiếu
Ông Lê Trung Hiếu

Có 3 động lực nổi bật cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 là đầu tư, tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu.

Đối với đầu tư, năm 2023 là “điểm rơi” của đầu tư công, đầu tư công trung hạn, đầu tư từ gói phát triển hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Một điều thuận lợi khi 2023 là năm có kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn bao gồm cả vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án trong chương trình đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này sẽ tập trung triển khai thực hiện. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cũng đã giải quyết xong vấn đề về thủ tục, quy trình, điều này sẽ tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công năm nay tích cực hơn các năm trước. Do đó, đầu tư công sẽ là động lực nổi bật thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong những quý cuối năm.

Đối với tiêu dùng, tiêu dùng cuối cùng của dân cư tiếp tục phục hồi trên nền thấp của các năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch nội địa phát triển mạnh, thu nhập hộ gia đình, người lao động tăng lên... dự báo sẽ kích thích người dân tiêu dùng trong thời gian tới.

Xuất nhập khẩu quý I có suy giảm, nhưng du lịch quốc tế tăng cao, xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng 3,4 lần so với quý I năm 2022. Dự báo, từ nay tới cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ du lịch sẽ tiếp tục được cải thiện.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê):

Ngành du lịch dự kiến có tăng trưởng đột phá

Ông Nguyễn Việt Phong
Ông Nguyễn Việt Phong

Tính đến hết quý I, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,7 triệu lượt khách, ước đạt 33,7% lượng khách mục tiêu của năm 2023 là 8 triệu lượt khách. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với quý I/2020 là 3,7 triệu lượt khách nhưng kết quả này cũng được đánh giá là hết sức khả quan trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới vẫn phải đối mặt với lạm phát và suy thoái kinh tế, nhu cầu đi du lịch quốc tế cũng bị ảnh hưởng theo.

Ngành du lịch của Việt Nam sẽ có những bước tăng trưởng đột phá trong năm nay do lượng khách quốc tế đến Việt Nam của 2 năm trước rất thấp (năm 2021 chỉ là 48,1 nghìn lượt khách; năm 2022 là 91 nghìn lượt khách).

Bên cạnh đó, các chính sách để phục hồi ngành du lịch cũng đã được triển khai như: ngoại giao du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch trên thế giới, kích cầu nội địa trong nước ở cấp trung ương, bộ, ngành và từng địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hãng lữ hành đã đề xuất nhiều chính sách cụ thể để thu hút khách quốc tế, trong đó có đề xuất áp dụng cấp visa điện tử cho khách nước ngoài, tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp và tăng cường ứng dụng công nghệ. Công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm.

Sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2023 chắc chắn sẽ có tác động lan tỏa tích cực tới nhiều ngành khác trong nền kinh tế như lưu trú, ăn uống; bán buôn bán lẻ và các ngành dịch vụ khác.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê):

Lạm phát có khả năng giảm dần trong những tháng tới

Bà Nguyễn Thu Oanh
Bà Nguyễn Thu Oanh

Tình hình lạm phát trên thế giới trong những tháng đầu năm 2023 tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. CPI 3 tháng đầu năm có mức tăng theo xu hướng giảm dần, trong đó tháng 1 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước, tháng 2 tăng thấp hơn với mức 4,31%, tháng 3 tăng là 3,35%.

Theo dõi biến động CPI so với cùng kỳ năm trước trong vòng 10 năm trở lại đây cho thấy, nếu không có yếu tố bất thường xảy ra, theo quy luật trước đây thì có khả năng CPI sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần trong những tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, trong năm 2023, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, do đó sẽ càng gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Việc tăng lương, tăng giá điện sẽ kéo theo giá các hàng hóa khác tăng theo. Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo lộ trình như dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động tới CPI trong năm 2023.

Song, với kinh nghiệm điều hành giá thành công trong những năm vừa qua của Chính phủ, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, Tổng cục Thống kê nhận định lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra./.