Những điểm sáng kinh tế năm 2023

Theo các chuyên gia tại ‘Hội thảo "Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 có bao nhiêu điểm sáng?’’ diễn ra ngày 1/12 tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 10 và 11/2023, các chỉ số kinh tế của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Nguyên nhân là do tác động của chính sách tài khóa mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công, kinh tế tư nhân và tiêu dùng trong nước phục hồi, xuất khẩu trên đà gia tăng. Những chỉ số tích cực này thể hiện sự nỗ lực của nền kinh tế, góp phần tào đà tăng trưởng cao hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Các chuyên gia kinh tế chia sẻ thông tin tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2023 và 2024 tại hội thảo. Ảnh Gia Linh
Các chuyên gia kinh tế chia sẻ thông tin tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2023, cùng những kỳ vọng cho năm 2024 tại hội thảo. Ảnh Gia Linh

Cụ thể, theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, về tăng trưởng kinh tế theo khu vực 9 tháng đầu năm (2019-2023), lĩnh vực nông nghiệp luôn là bệ đỡ quan trọng, qua các giai đoạn vẫn tăng từ 2,5 - 3%, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 12 - 13% cơ cấu GDP. Việt Nam đang làm chủ lương thực thực phẩm ở mức 85%, và chỉ 15% từ xuất khẩu.

Các chỉ số được xem là điểm sáng có thể nói đến như lạm phát đã và đang hạ nhiệt sau 11 tháng năm 2023. Đặc biệt, tiêu dùng tăng gần 10%. Sản xuất công nghiệp dần phục hồi, tăng 1%, so với đầu năm giảm 15%. Lãi suất đang đà giảm. Tỷ giá đồng nội tệ so với USD dự báo cả năm 2023 tăng ở mức 2,5-3% và năm 2024 bình quân tăng tối đa là 2%. Thị trường chứng khoán đang dần phục hồi. Cụ thể là giá cổ phiếu tất cả các nhóm ngành đều tăng trưởng, đặc biệt là môi giới chứng khoán, xây dựng, khai thác than…

Về công nghiệp và xây dựng, riêng công nghiệp tăng rất chậm ở mức 2,41% so với thời kỳ trước dịch Covid-19 là 9,36% và so với thời kỳ dịch Covid-19 là 3,08%.

Về đóng góp tăng trưởng GDP từ phía cầu 9 tháng đầu năm (2019-2023), đóng góp của tiêu dùng cho kinh tế Việt Nam rất lớn, chiếm khoảng gần 45% cho tổng tăng trưởng. Đầu tư tích lũy tài sản đóng góp cho tăng trưởng khoảng gần 33 - 34%. Do đó, tiêu dùng và đầu tư tích lũy tài sản là hai động lực quan trọng trong sự tăng trưởng của Việt Nam.

“Về dự báo tăng trưởng GDP, năm 2023 dự kiến tăng khoảng 5 - 5,2%. Năm 2024, thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6 - 6,5%. Trước đó, Quốc hội và Chính phủ cũng yêu cầu phấn đấu ở chỉ tiêu này. Về lạm phát không quá lo, đến tháng 11/2023 tăng bình quân 3,22% và cả năm là 3,3%, dự báo năm 2024 bình quân ở mức 3,5%, do giá cả hàng hóa còn cao, lượng cung tiền và vòng quay tiền sôi động hơn.” - TS. Cấn Văn Lực cho biết.

TS Cấn Văn Lực dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2024 tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn
TS. Cấn Văn Lực dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2024. Ảnh Đỗ Doãn

Triển vọng kinh tế năm 2024 và giải pháp ứng phó của doanh nghiệp

Tại hội thảo, các cơ hội và triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 - 2024 cũng được các chuyên gia nhấn mạnh. Trong đó, Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1/2023 là một yếu tố quan trọng đối với Việt Nam. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc lũy kế 11 tháng năm 2023 tăng trên 6%, trong khi xuất khẩu ra các thị trường nước khác đều giảm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu là một trong số những cơ hội, bởi Việt Nam vẫn đang hưởng làn sóng đầu tư FDI lần thứ tư như việc hãng Intel mở rộng nhà máy sản xuất, toàn bộ hệ thống tai nghe của Apple sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam…

Ngoài ra, các cơ hội khác cũng được nhấn mạnh như nền tảng vĩ mô và kinh nghiệm phòng chống dịch, quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên. Rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn. Lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát. Thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

‘‘Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh như nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Nhật Bản. Cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy như sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản… Đó là những tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế Việt Nam…’’ - ông Lực phân tích.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra những quan điểm, giải pháp kiến tạo phát triển bền vững cho doanh nghiệp như kiến nghị đúng, kiên trì; thiện chí hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ; cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, đặc biệt là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng…

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

‘‘Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn như tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư…; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân sự công nghệ thông tin và chuyển đổi số; thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, bao gồm rủi ro về pháp lý, tài chính, công nghệ, dữ liệu… Đặc biệt là đón đầu xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn và tận dụng các cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, Việt – Nhật…’’ - ông Lực khuyến nghị.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải - nguyên Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, năm 2023 kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cũng có những điểm sáng, tạo đà tăng trưởng cho năm 2024. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6% đến 6,5% là một thách thức song có thể thực hiện được, thậm chí có thể vượt nếu có những đột phá tích cực.