Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 2% so với tháng 12/2020. Chỉ số CPI bình quân 11 tháng hiện là 1,84% – mức thấp nhất kể từ năm 2016, và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra.

Thông tin về diễn biến này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng có 3 yếu tố tác động chính tới CPI tháng 11.

Cụ thể là: Giá xăng tháng 11 tăng 8,12%, dầu diezen tăng 7,3% so với tháng trước, khiến giá nhóm giao thông tăng tiếp tục tăng 3,11%; giá nguyên vật liệu đầu vào xây dựng tăng và giá điện, nước sinh hoạt tăng trở lại 1,94% so với tháng trước; giá thịt lợn giảm 5,62% do các cơ sở chăn nuôi tăng cường bán ra để hạn chế thua lỗ khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, giúp giá nhóm thực phẩm giảm 0,4% so với tháng 10.

Chuyên gia của KBSV dự báo, lạm phát tháng 12 của năm 2021 có thể tăng 0,8% so với tháng 11; do đó cũng giảm dự báo lạm phát bình quân trong năm 2021 xuống còn 2%.

Lạm phát năm 2021 duy trì ở mức thấp, áp lực cho năm 2022
Nhiều yếu tố sẽ tạo áp lực cho lạp phát năm 2022. Ảnh: Duy Thái.

Cũng theo các chuyên gia này, các gói hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam năm 2021 dù chưa đủ lớn để gây ra hiện tượng bùng nổ về sức cầu khiến lạm phát tăng mạnh như tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, tuy nhiên áp lực lạm phát là hiện hữu trong năm 2022, khi các gói hỗ trợ đã thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Mới đây, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô 800.000 tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD), trong kịch bản gói kích thích kinh tế được thông qua sẽ khiến gia tăng áp lực lên lạm phát năm 2022.

Ngoài ra, “năm 2022 có thể gia tăng nhập khẩu lạm phát, trong bối cảnh các nền kinh tế đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều có lạm phát ở mức đáng lo ngại, trong khi Việt Nam hiện tại vẫn còn phụ thuộc nhiều vào đầu nhập khẩu” – Chuyên gia của KBSV cho hay./.