Đề xuất bố trí bổ sung 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông quan trọng Điều chỉnh giá điện để đảm bảo cân đối tài chính cho EVN Không có dự án mới, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước sẽ hạn chế

Lưu ý về luồng hàng hải và tác động môi trường

Tại dự thảo Nghị quyết về việc bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn (KTĐTCTH) từ nguồn dự phòng trình Quốc hội sáng 16/1, Chính phủ trình Quốc hội phân bổ 2.526,16 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng cho EVN để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo. Giao Thủ tướng Chính phủ giao KHĐTCTH vốn NSTW giai đoạn 2021 - 2025 cho EVN để thực hiện dự án.

Nêu ý kiến tại hội trường chiều 16/1, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) nêu rõ, hiện nay nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh. Lượng du khách đến Côn Đảo đã vượt quy hoạch, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch gần như không đáp ứng, trong khi các nhà đầu tư hiện đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư.

Làm rõ nguồn vốn 2.526 tỷ đồng dự kiến giao EVN cấp điện lưới cho Côn Đảo
Đại biểu Tô Ái Vang phát biểu.
Tổng mức đầu tư của dự án trên 4.950 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của EVN khoảng 2.423 tỷ đồng. Vốn ngân sách trung ương trong dự thảo nghị quyết phân bổ trên 2.526 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303 tỷ đồng cho EVN từ nguồn dự phòng của KHĐTCTH để thực hiện dự án kéo lưới điện từ Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng ra Côn Đảo với chiều dài gần 104 km, giao cho Bộ Công thương quản lý nhà nước đối với dự án theo quy định.

Trước đó, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và thống nhất thông qua. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến, cơ bản đủ căn cứ để không chọn phương án đầu tư điện gió, điện mặt trời.

Theo đại biểu, dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp để triển khai dự án của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, đại biểu cũng có 3 kiến nghị đối với Chính phủ trong việc thực hiện dự án.

Thứ nhất là trong quá trình triển khai dự án, cần lưu ý đến các vấn đề về luồng hàng hải và công tác quy hoạch cảng biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng. Hai là dự án triển khai đúng quy định về đánh giá tác động môi trường. Thứ ba là xây dựng cơ chế, chính sách chặt chẽ để khuyến khích huyện Côn Đảo phát triển theo hướng kinh tế xanh.

Nêu kinh nghiệm thực tiễn của đảo Cô Tô, đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, bước ngoặt là vào năm 2013 khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thực hiện kéo điện lưới ra đảo, giúp kinh tế Cô Tô “bừng sáng”. Do đó, đại biểu cũng kỳ vọng đây không chỉ là cơ hội để tạo bước đột phá thực sự cho huyện Côn Đảo về phát triển kinh tế xã hội, mà còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Giao rõ EVN làm chủ đầu tư dự án

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cũng nêu một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về nội dung này.

Theo đại biểu, hiện nay dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ nguồn 2.526 tỷ đồng cho dự án này là nguồn ở đâu. Qua rà soát, đại biểu cho rằng nguồn này bản chất là nguồn theo Nghị quyết 93 của Quốc hội. Như vậy, Nghị quyết phải thể hiện rất rõ là sử dụng 2.526,16 tỷ đồng dự phòng KTĐTCTH nguồn vốn NSTW giai đoạn 2021 - 2025 trong tổng số 37.303 tỷ đồng theo khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết 93/2023/QH15.

Làm rõ nguồn vốn 2.526 tỷ đồng dự kiến giao EVN cấp điện lưới cho Côn Đảo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu.

Về chủ đầu tư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng lưu ý trong dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình Quốc hội thì chưa rõ chủ đầu tư là cơ quan nào. Theo quy định của Luật Đầu tư công và các luật có liên quan, nếu như trong trường hợp Quốc hội không quyết định chủ đầu tư, thì chủ đầu tư sẽ phải là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bởi hiện nay EVN trực thuộc Ủy ban này.

Do đó, trong Nghị quyết của Quốc hội, ngoài việc giao số vốn này cho EVN, đại biểu đề nghị phải nêu rất rõ là EVN là chủ đầu tư đối với dự án này. “Tôi được biết là hiện nay EVN cũng đã đầu tư vào đây một số tiền tương đối lớn, cũng hơn 2.000 tỷ rồi thì tiếp tục giao số vốn này và giao cho EVN làm chủ đầu tư đối với dự án này” - đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.

Trả lời về những vấn đề đại biểu nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết đây là các lưu ý hết sức xác đáng đối với dự án này. Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để tiếp thu và đưa vào trong nội dung dự thảo nghị quyết.

Làm rõ thêm vấn đề sử dụng nguồn vốn theo Nghị quyết 93, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, do việc chuẩn bị các dự án theo chương trình và KHĐTCTH chưa được kịp thời, nên chúng ta đã quyết định để lại 37.303 tỷ đồng để cho phép tiếp tục rà soát, đề xuất các dự án.

Dự án cấp điện cho Côn Đảo cũng là một dự án trước đây được giao nhiệm vụ để chuẩn bị đầu tư và dự kiến nguồn. Tuy nhiên, do không chuẩn bị kịp thủ tục đầu tư, nên nguồn này đã được thu lại và đưa vào trong dự phòng của KHĐTCTH.

Hiện nay, quá trình chuẩn bị đã được kỹ lưỡng, các phương án đã được so sánh, đánh giá thận trọng và lựa chọn phương án cuối cùng. Do vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội sử dụng nguồn dự phòng để bố trí vốn cho dự án cấp điện cho Côn Đảo.