Năm 2023: Doanh nghiệp nhà nước ước nộp ngân sách 128.821 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày 14/9, tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.

Không có dự án mới, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước sẽ hạn chế

Các đại biểu tham dự hội nghị sáng 14/9.

Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN là 33.639 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp Trung ương như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (VNA) lỗ phát sinh 1.317 tỷ đồng. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023.

Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế ước đạt 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Nộp NSNN của DNNN cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.

Cũng trong năm 2023, ước tính các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp trung ương như: EVN lỗ phát sinh 37.062 tỷ đồng, VNA lỗ phát sinh 4.515 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động của xung đột Nga - Ukraine và các bất ổn của kinh tế thế giới, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội quan trọng của đất nước.

DNNN đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội. DNNN đóng góp lớn, tạo sức mạnh về kinh tế, là cánh tay nối dài để Nhà nước thực hiện điều hành các chính sách, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực mà tư nhân không thực hiện (doanh nghiệp lâm nghiệp tại các vùng địa bàn chiến lược...).

Không có dự án mới, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước sẽ hạn chế

Doanh nghiệp nhà nước chưa có dự án đủ lớn, có sức lan tỏa

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn, thua lỗ, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Do khó khăn khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng (EVN, VNA...).

Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đặc biệt, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực DNNN đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế khi tỷ trọng đóng góp hiện nay của DNNN vào GDP đang là khoảng 29%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Mặc dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty hầu như chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp này cũng chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của nhau trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án. “Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án (dự án điện, các dự án phát triển dầu khí) trong khi các doanh nghiệp khác lại để vốn nhàn rỗi”, báo cáo nêu.

Trong khi đó, SCIC - mặc dù bước đầu thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ với tổng vốn đầu tư đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là hơn 36.800 tỷ đồng (trong đó có khoản đầu tư theo chỉ định vào VNA là 6.850 tỷ đồng), hiện còn nắm giữ 11.620 tỷ đồng - nhưng chưa thực sự tham gia vào các dự án đầu tư mới đóng vai trò làm nền tảng, dẫn dắt cho nền kinh tế.

Cũng theo báo cáo, hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường...; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả.

Năm 2023: 19 tập đoàn, tổng công ty dự kiến đầu tư 260.000 tỷ đồng

Năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy bản Quản lý vốn nhà nước dự kiến đầu tư khoảng 260.000 tỷ đồng. Trong đó: lĩnh vực năng lượng (EVN, PVN, TKV, Petrolimex) là 166.676 tỷ đồng; lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải (ACV, VEC, đường sắt, hàng không, hàng hải) là 49.571 tỷ đồng; lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (VNPT, MobiFone) là 17.300 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp (hóa chất, thuốc lá) là 1.804 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp (cao su, cà phê, lâm nghiệp, lương thực miền Bắc và miền Nam) 4.851 tỷ đồng; lĩnh vực đầu tư kinh doanh vốn (SCIC) là 4.700 tỷ đồng.

Trong 8 tháng năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã giải ngân đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng (bằng 49% kế hoạch năm), tăng 22% so với 7 tháng đầu năm 2023. Một số dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, là điểm sáng trong 8 tháng năm 2023, như: Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dự án LNG Thị Vải, chuỗi dự án Lô B, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng đường Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây...