Triển khai thành công mô hình xã điểm

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Đời sống của người dân khó khăn, do đó, việc gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một thách thức lớn. Nhiều người dân không có đủ tài chính để tham gia hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, BHXH thành phố Hà Nội không thể triển khai được các đợt tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, không tổ chức được các hội nghị tuyên truyền. Nhân viên đại lý thu cũng không thể đến nhà vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện…

Linh hoạt các giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
Cán bộ Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội vận động người dân
tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tuy vậy, vượt qua khó khăn, trong 2 năm 2020 - 2021, BHXH thành phố vẫn luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện. Năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 48.674 người, đạt 101,3% kế hoạch. Năm 2021, toàn thành phố có 63.304 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 30,06% so với năm 2020, đạt 100,21% kế hoạch và vượt 0,3% so với chỉ tiêu HĐND thành phố giao.

Để có những kết quả trên, BHXH thành phố đã sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định, đề ra nhiều giải pháp, huy động cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức kinh tế, đoàn thể ở địa phương vào cuộc. Năm 2021, BHXH thành phố đã triển khai thành công mô hình xã điểm về thu BHXH tự nguyện. Tại các xã điểm đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), phân công nhiệm vụ rõ ràng cho trưởng ban, phó ban và các thành viên. Sau 3 tháng thành lập, các xã điểm đều hoạt động hiệu quả. Bình quân mỗi xã điểm phát triển được số người tham gia BHXH tự nguyện gấp 2,9 lần bình quân 1 xã, phường, thị trấn. Từ kinh nghiệm phát triển xã điểm, BHXH thành phố đã nhân rộng mô hình đến các xã, phường còn lại. Đến nay, tại tất cả phường, xã trên toàn thành phố đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Đối với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH thành phố tăng cường tuyên truyền trên facebook, zalo. Hiện nay BHXH thành phố đã xây dựng trang fanpage, zalo của BHXH thành phố; BHXH quận, huyện, thị xã cũng xây dựng trang zalo, hoặc nhóm zalo để tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT cho người dân, hỗ trợ tài liệu tuyên truyền cho các đại lý thu. Đồng thời, BHXH thành phố tổ chức đa dạng các hình thức tư vấn chính sách, kết hợp tư vấn bằng các hội nghị trực tuyến và trực tiếp, tư vấn 1-1…, tập trung vào nhóm đối tượng có tiềm năng, khả năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, phù hợp với tình hình diễn biến thực tế tại từng địa bàn.

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2022

Năm 2022, BHXH thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển gần 109 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, BHXH thành phố đã triển khai một loạt giải pháp như tham mưu Thành uỷ ban hành chỉ thị, kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030. Ngoài ra, ngay từ đầu năm BHXH thành phố đã giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện đến BHXH các quận, huyện, thị xã.

BHXH thành phố cho biết sẽ thực hiện một số giải pháp như phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề để xác định quy mô tổ chức sản xuất kinh doanh, số lao động và hình thức ký kết hợp đồng lao động; từ đó kiến nghị với các cấp có thẩm quyền yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm túc chính sách BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định; trên cơ sở phân loại đối tượng chưa tham gia BHXH, BHYT và xây dựng kế hoạch chi tiết về hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm từng nhóm đối tượng, chủ động phối hợp với các đại lý thu và chính quyền địa phương liên tục tổ chức các hội nghị để tuyên truyền vận động trọng tâm, trọng điểm có hiệu quả.

BHXH thành phố tiếp tục phối hợp với Bưu điện Hà Nội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các nhóm đối tượng, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện tới các nhóm đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi trong thực hiện chính sách BHXH, bảo đảm các đối tượng tiếp cận đầy đủ các thông tin về chính sách BHXH, BHYT và cách thức tham gia.

Đề ra chỉ tiêu phấn đấu cho các giai đoạn

Kế hoạch số 56/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội đề ra chỉ tiêu, toàn thành phố phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên 3% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 55%.

Giai đoạn đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 10% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức); số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 65%.