Năm 2023: Dự kiến tăng trưởng GDP 6,5%

Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2022 kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8%, cao hơn so với mục tiêu là 6 - 6,5%. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng số thu NSNN 9 tháng đạt 1.327 nghìn tỷ đồng; cả năm ước đạt 1.614 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 12,5%. Vốn FDI thực hiện đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%. Trong 9 tháng có hơn 163 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, số tiền miễn thuế, phí, lệ phí khoảng 40 nghìn tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch năm 2022; giải ngân cho vay hỗ trợ tạo việc làm 7 nghìn tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2022.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km. Chính phủ phấn đấu trong tháng 12/2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Ước tính đến cuối năm 2022, nợ công vào khoảng 43 - 44% GDP (trần là 60%); nợ chính phủ khoảng 40 - 41% GDP (trần là 50%) và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 40 - 41% GDP (trần là 50%).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn trên các lĩnh vực. Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh. Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 CTMTQG và việc lập các quy hoạch còn chậm. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu…

Đối với kế hoạch năm 2023, Thủ tướng cho biết Chính phủ đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực KTXH, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...

Mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công

Những kết quả, nhận định trên được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản đồng tình, nhất trí. Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có không ít khó khăn, thách thức lớn, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề như tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của chương trình. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa giải quyết hiệu quả.

Nghiên cứu hỗ trợ gia hạn thuế, không miễn giảm thuế

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu; nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.

Công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh ngay sau khi Quốc hội tiến hành giám sát, nhưng kết quả lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn rất khiêm tốn, không đạt được các mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.

Đối với kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cũng như các nhiệm vụ, giải pháp theo báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, để tránh dàn trải, tập trung vào một số vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2023, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.

Đối với chính sách tài khóa, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với liều lượng phù hợp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bố trí nguồn lực, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; quản lý chặt chẽ bội chi NSNN, kiểm soát nợ công.

Tiếp tục theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước, từ đó đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu; nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao.

Bội chi, nợ công năm 2022 đều thấp hơn mức trần cho phép

Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tại Quốc hội Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Theo báo cáo, thu NSNN 9 tháng năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô vượt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu NSNN ước đạt khoảng 1.614,1 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14,3%) so dự toán; tỷ lệ huy động NSNN đạt khoảng 17,2% GDP, từ thuế, phí đạt khoảng 13,9% GDP.

Về chi NSNN, ước hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán. Đánh giá cả năm, chi NSNN đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng, bằng 114,1% dự toán; trong đó giải ngân vốn đầu tư ước đạt khoảng 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 96,1%; chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán.

Theo dự toán đầu năm 2022, bội chi năm 2022 là 372,9 nghìn tỷ đồng (4% GDP); ước thực hiện khoảng 352 nghìn tỷ đồng, bằng 3,75% GDP. Bội chi tăng thêm cho các nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là 38,155 nghìn tỷ đồng (khoảng 0,41% GDP).

Căn cứ tình hình thu chi năm 2022, Chính phủ ước thực hiện bội chi NSNN năm 2022 bằng 4,5% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép (tổng mức bội chi NSNN năm 2022 tối đa là 5 - 5,1% GDP gồm dự toán bội chi năm 2022 là 4%GDP và bội chi cho chương trình phục hồi là 1 - 1,1% GDP). Trong điều hành, Chính phủ đang chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm, cắt giảm các nhiệm vụ chi để tiếp tục giảm mức bội chi so với mức báo cáo nêu trên.

Về nợ công, dư nợ công đến cuối năm 2022 khoảng 43 - 44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40 - 41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia bằng khoảng 40 - 41%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18 - 19% tổng thu NSNN, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép.