Ngân hàng dồi dào tiền, nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm... “nhỏ giọt”
Lãi suất cho vay là do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận dựa trên cung cầu vốn trên thị trường. Ảnh: TL

Lãi suất đã giảm, nhưng vẫn còn cao

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến giữa tháng 9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5,56%. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm doanh nghiệp bất động sản…

Ngoài ra sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).

Trong bối cảnh này, thời gian qua, quan điểm của NHNN là vẫn định hướng để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, thể hiện ở 4 đợt giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm 2023. Theo đó, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,3% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên so với thời điểm giữa năm 2022, phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho thấy, lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao. Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc cân đối các khoản chi phí tài chính.

Bà Nguyễn Thị Huyền Thương - Tổng giám đốc Công ty Nagakawa cho biết, chi phí tài chính của công ty chiếm 3 - 4% (trong đó, chi phí lãi suất chiếm 60 - 70% trong chi phí tài chính) và lãi suất cao là yếu tố rất ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Thực tế đối chiếu mặt bằng lãi suất trong vòng hơn 1 năm qua cho thấy, dù sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tuy có giảm so với thời đỉnh điểm cuối năm 2022, nhưng vẫn còn ở mức cao hơn khá nhiều so với điểm giữa năm 2022. Cụ thể, theo công bố diễn biến lãi suất hàng tháng tại thời điểm tháng 7/2022, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 7,9 - 9,3%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm. Trong khi đó vào tháng 7/2023, lãi suất cho vay bình quân ở mức 9,3 - 11,4%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,2%/năm.

Các con số này cho thấy, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên thời điểm tháng 7/2023 đã giảm hơn so với 1 năm trước đó. Nhưng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực thông thường vẫn ở mặt bằng cao hơn khá nhiều so với 1 năm trước.

Vẫn phải chờ độ trễ

Trong bối cảnh hiện tại, lãnh đạo NHNN cũng tiếp tục yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Vừa qua, Thống đốc NHNN cũng nhắc nhở các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.

Cùng với đó, các ngân hàng cũng phải chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.

Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay là do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận dựa trên cung cầu vốn trên thị trường, nhu cầu vốn vay, mức độ tín nhiệm... Một trong những lý do khiến lãi suất chưa hạ là do nhiều khoản vay ký hợp đồng tại thời điểm mặt bằng lãi suất cao cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến nay vẫn còn hợp đồng.

Đối với một số doanh nghiệp gặp khó khăn và tình hình tài chính sa sút hơn so với năm trước thì vô tình điểm tín nhiệm cũng bị hạ xuống thấp hơn và theo công thức tính toán hệ số rủi ro thì tín nhiệm giảm lại làm lãi suất phải tăng lên để phù hợp với rủi ro. Trong khi đó, hiện tại các ngân hàng cũng khá “bối rối” trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Trong bối cảnh hiện tại, NHNN cũng không cấm các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay cũ. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo sự cạnh tranh giữa các ngân hàng tạo nên áp lực giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, thực tế cũng vẫn có những khó khăn nhất định. Trong đó, doanh nghiệp khi trả nợ khoản cũ cũng bị vướng vào các quy định về phạt trả nợ trước hạn trong các hợp đồng tín dụng đã ký.

Ông Lê Vĩnh Sơn - đại diện Hiệp hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn TP. Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy doanh nghiệp trả nợ trước thường chịu phạt lãi trả trước 1 - 5%. Theo đó, ông Sơn kiến nghị các ngân hàng nên miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc chỉ áp dụng mức khoảng 1% thay vì để phí cao như hiện nay.

Theo NHNN, hiện nay các ngân hàng cũng có đưa ra các cam kết về giảm lãi suất cho vay với khách hàng và theo diễn biến của độ trễ chính sách thì mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục giảm thời gian tới. Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng thuộc NHNN, cho biết, dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung vẫn có những khăn, thách thức.

Ở một diễn biến khác, hiện đã có 13 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đến nay, doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng (bằng 37% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình), cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Hướng dẫn lãi suất chương trình nhà ở xã hội

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã yêu cầu các ngân hàng có văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Hiện, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.