ngan hang

Nguồn nhân lực ở các ngân hàng tại Việt Nam cần trau đồi kỹ năng để bắt kịp với yêu cầu hội nhập.

bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst & Young Việt Nam chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Vào hồi tháng 4/2016, Ngân hàng Thế giới đã cho rằng, việc chỉ còn từ con số 15 đến 17 ngân hàng tại Việt Nam là khó khả thi. Về phía mình, bà nghĩ thế nào?

- Bà Nguyễn Thùy Dương: Số lượng các ngân hàng là bao nhiêu thì không ai có thể đoán chính xác trước được. Nhưng quan điểm của tôi cho rằng, số lượng không quan trọng, chất lượng quan trọng hơn. Bởi nếu lấy chất lượng làm tham số ưu tiên, thì cách hành xử của chúng ta đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của các ngân hàng cũng sẽ thay đổi.

Một trong những lý do khiến các ngân hàng phải tập trung vào chất lượng, đó là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tức là khi đi ra “biển lớn”, quy mô về vốn, về tổng tài sản là chưa đủ, mà phải là chất lượng, sức khỏe thực, sức khỏe nội tại.

Nói chung, theo tôi, ngành Ngân hàng Việt Nam nên ưu tiên vào chất lượng, để các ngân hàng có thể hoạt động hiệu quả, an toàn hơn trong bối cảnh hiện nay, cũng như trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế quốc tế.

* PV: Thưa bà, tại Việt Nam, việc triển khai Basel II đã được ngành Ngân hàng tiến hành khá lâu. Theo đánh giá của bà, kế hoạch này liệu có thực hiện được đúng tiến độ hay không?

ba duong

Bà Nguyễn Thùy Dương

- Bà Nguyễn Thùy Dương: Tôi cho rằng, việc triển khai Basel II có đạt tiến độ đề ra hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, sự sẵn sàng của các ngân hàng, sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước là một trong những điều kiện tiên quyết. Hiện nay, bản thân một số ngân hàng đổi mới rất mạnh mẽ và họ cũng đã tự cảm thấy mình cần phải tăng cường quản trị rủi ro và áp dụng Basel II. Do vậy, những ngân hàng này đã đầu tư rất nhiều công sức, tự thực hiện hoặc đi thuê công ty tư vấn, nhằm mang các quy định, hoạt động của mình tiệm cận ngày càng gần hơn tới các tiêu chuẩn Basel II.

Tuy nhiên, nếu ai đó hỏi “có ngân hàng nào của Việt Nam đạt chuẩn Basel II hay chưa?”, thì tôi nghĩ là chưa, mà phải cần thêm một thời gian nữa. Điều này liên quan mật thiết tới nguồn nhân lực, bởi người để triển khai các dự án về áp dụng quản trị rủi ro, hay các dự án về Basel II, Việt Nam còn thiếu nhiều.

* PV: Bà vừa nhắc đến nguồn nhân sự trong quản trị rủi ro và Basel II. Bà có thể nói cụ thể hơn về yếu tố này?

- Bà Nguyễn Thùy Dương: Khi Việt Nam triển khai Basel II, nguồn nhân lực để triển khai rất thiếu. Do vậy, nhân sự làm quản trị rủi ro lúc đó luôn được các công ty tìm kiếm và thường họ được trả lương rất cao. Tuy vậy, hầu hết các giám đốc quản trị rủi ro ở ngân hàng Việt Nam hiện nay đều là người nước ngoài.

Nói như vậy để thấy, Việt Nam vẫn cần thêm một thời gian nữa để bắt kịp với các yêu cầu của thế giới, khi mà chúng ta đã có được nhận thức tốt hơn, kỹ năng sâu hơn về quản trị rủi ro trong các ngân hàng thương mại.

* PV: Trong những năm qua, các cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường ngân hàng trong nước ngày một nhiều. Có ý kiến bày tỏ nghi ngại về việc thiếu “tính thị trường” của các cuộc M&A đó, còn bà thì nghĩ sao về hiệu ứng này?

- Bà Nguyễn Thùy Dương: Tôi nghĩ, hiệu ứng là tích cực; tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn từ các phản ứng khác, chẳng hạn như từ phía thị trường, hay việc tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các ngân hàng với nhau, đặc biệt là giữa các ngân hàng tốt.

Vì vậy, trong thời gian tới, tôi cũng hy vọng, sau khi các ngân hàng yếu kém đã được dọn dẹp tương đối, thì chúng ta sẽ có một sân chơi tốt hơn dành cho tất cả các ngân hàng trước thềm hội nhập ngày càng mạnh mẽ.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel II được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.

Duy Thái