Phấn đấu phi giấy tờ ngay trong năm 2022

Để cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, từ cuối năm 2021, Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu hướng tới hoàn thiện môi trường làm việc điện tử (phi giấy tờ) trong công tác quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng nền tảng Hải quan số dựa trên ứng dụng dữ liệu lớn (big data)..., chủ động phấn đấu là đơn vị đi đầu trong kế hoạch chung về chuyển đổi số của Chính phủ, phấn đấu trở thành cơ quan Hải quan số hàng đầu trên thế giới trong giai đoạn 2026 - 2030.

Với quyết tâm cao hơn trong việc đẩy nhanh thực hiện kế hoạch này, đầu năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022. Tại Chỉ thị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xác định rõ mục tiêu, kế hoạch đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu hải quan phi giấy tờ trong năm 2022 và xây dựng thành công Hải quan số, Hải quan thông minh trong những năm tiếp theo.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Để đạt được mục tiêu này, việc triển khai các hệ thống tự động một cách “trơn tru, hiệu quả” là ưu tiên trên hết. Trước đây, ngành Hải quan đã có Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS hoạt động ổn định và mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cán bộ hải quan trong quá trình làm thủ tục. Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám, Tổng cục Hải quan luôn xác định công tác cải cách hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản xuất, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Cùng với Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), các hệ thống điện tử liên kết mới như Hệ thống giám sát hải quan tự động (VASSCM), Hệ thống một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, nộp thuế điện tử… tạo cơ sở nền tảng cho việc điện tử hóa các chứng từ, dữ liệu thông tin liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Điện tử hóa mọi mặt hoạt động

Thống kê cho thấy, các hệ thống nói trên đã phát huy hiệu quả đáng kể. Các hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và người khai hải quan gồm: nộp hồ sơ hải quan, hồ sơ hoàn thuế, trừ lùi giấy phép, việc gửi đề nghị lấy mẫu, đề nghị đưa hàng về bảo quản, đề nghị hủy tờ khai... hầu hết được thực hiện thông qua hệ thống điện tử. Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, cơ quan hải quan cũng đã chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc bản scan từ bản chính nếu đã có thông tin trên Cổng thông tin điện tử do Bộ Công thương công bố. Ngành Hải quan thực hiện quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không cũng như tại các kho, bãi, địa điểm trong nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá; sử dụng seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát hàng hóa vận chuyển bằng container.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 98 thủ tục.

Với vai trò giúp Bộ Tài chính làm cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan đã nỗ lực và vận hành có hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực triển khai thực hiện kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu tờ khai hải quan, dữ liệu thuế với các bên liên quan để phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính thay cho việc phải nộp chứng giấy, như: với VCCI, Bộ Công thương trong việc cấp C/O; với cơ quan thuế, kho bạc trong theo dõi thu nộp ngân sách; với ngân hàng trong hoạt động thanh toán; với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng trong công tác quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu; với cơ quan công an, quản lý thị trường trong việc chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường,…

Hơn nữa, cơ quan hải quan tích cực thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử, qua đó đã giúp bãi bỏ một số thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm giờ công, tiết kiệm nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, như: bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện vận tải nhập khẩu; bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai hàng viện trợ.

Nỗ lực điện tử hóa mạnh mẽ của ngành hải quan đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.