Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 86%

Theo Cục Quản lý xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021 là năm cơ bản kết thúc thực hiện các dự án trong kế hoạch trung hạn 2016 – 2020. Tổng kế hoạch vốn năm 2021, Bộ NN&PTNT được giao vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 9.846 tỷ đồng (vốn trong nước bao gồm vốn trái phiếu chính phủ 7.001 tỷ đồng; vốn ODA 2.845 tỷ đồng).

Ngành Nông nghiệp đổi mới tư duy, qua giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến hết ngày 31/12/2021, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT đạt 86,7%, trong đó vốn trong nước 95,6%, vốn ODA 64,8%. Đồng thời, bộ này đã hoàn thành 246/288 dự án triển khai trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016 - 2020.

Bộ NN&PTNT cũng triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Do chỉ đạo quyết liệt và được chuẩn bị sớm, kỹ qua các bước theo quy định của pháp luật đầu tư công; tích cực công tác chuẩn bị đầu tư và thủ tục đầu tư các dự án mở mới trung hạn 2021 - 2025 và triển khai thực hiện ngay sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn… nên Bộ NN&PTNT đã phê duyệt được chủ trương đầu tư 127/129 dự án khởi công mới, còn 2 dự án nhóm A đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để đạt kết quả này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Nguyễn Hoài Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân và xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng. Năm 2021, Bộ NN&PTNT đã tuyên dương 12 chủ đầu tư có giá trị giải ngân lớn, tỷ lệ giải ngân cao và vượt kế hoạch giải ngân đã cam kết; phê bình người đứng đầu và tập thể lãnh đạo 4 chủ đầu tư có dự án tiến độ chậm, giải ngân thấp…

Bên cạnh đó, bộ đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến, trực tiếp về xây dựng cơ bản hoặc về một số dự án cụ thể nhằm thúc đẩy giải ngân. Nhận diện rõ những khó khăn từ dịch Covid-19 để có giải pháp cụ thể đối với từng dự án; thực hiện nguyên tắc “mỗi công trình là một vùng xanh” để có giải pháp phù hợp, như việc ứng phó với đứt gãy nguồn nhân lực, nguồn cung vật tư, vật liệu… Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân chung nguồn vốn trong nước của bộ thuộc nhóm giải ngân cao của cả nước.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phân bổ vốn đúng quy định; đồng thời giao kế hoạch sớm để các đơn vị chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn như từ đầu năm, có 9 đợt điều chỉnh với tổng số vốn 1.625 tỷ đồng để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2021 và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư các dự án khởi công mới; theo dõi tình hình từng dự án, chủ đầu tư để đôn đốc quyết liệt tiến độ thực hiện, giải ngân.

“Năm 2021 vốn đầu tư công được quản lý chặt chẽ hơn; tỷ lệ giải ngân khá; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp, số công trình lớn được hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu lực, hiệu quả đầu tư” - ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022

Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, theo năm ngân sách (tính đến hết tháng 1/2022), chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa để giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2021. Từ nay đến hết 31/1/2022, Bộ NN&PTNT phấn đấu giải ngân đạt 90%, trong đó vốn trong nước đạt 95%.

Nhằm đạt mục tiêu này, trong tháng 1, Bộ NN&PTNT chủ động đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo kế hoạch các chủ đầu tư đã cam kết; nghiệm thu, bàn giao, đưa vào vận hành khai thác các công trình, phát huy hiệu quả dự án… góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành.

Song song đó, tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mở mới trung hạn 2021 - 2025; thực hiện và giải ngân vốn đảm bảo kế hoạch đã duyệt, đặc biệt là ODA. Đặc biệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công và an toàn tuyệt đối với các công trình…

Năm 2022, Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục triển khai kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ các lĩnh vực sản xuất có lợi thế…

Bộ sẽ chủ động, tích cực xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Theo đó, Bộ NN&PTNT tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, khởi công mới các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định; tăng cường quản lý chất lượng đầu tư, xây dựng công trình, nhất là công trình thủy lợi và áp dụng khoa học công nghệ để tăng thêm năng lực tưới, tiêu; phối hợp quản lý tốt nguồn nước của các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi, nhất là các hồ chứa, bảo đảm các quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài...

Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành một số công trình thủy lợi lớn; một số dự án cấp bách khắc phục tình trạng hạn hán ở Tây nguyên, Đông Nam Bộ và hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long như hoàn thành cơ bản đầu mối các hồ chứa như: Hồ Bản Lải (Lạng Sơn); hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Hà Tĩnh); hồ Đồng Mít (Bình Định); hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận); hồ Sông Lũy (Bình Thuận); hồ EaHleo (Đắk Lắk); hồ Đa Sị (Lâm Đồng); hệ thống thủy lợi Bắc nam Bến Tre và Công Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang)…