Ngành Nông nghiệp tự tin "cán đích" xuất khẩu đạt 54 tỷ USD
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Văn Chung

Xuất khẩu rau quả, gạo đã mang về hơn 8 tỷ USD

Tại cuộc họp báo quý III/2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 29/9, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), cho biết từ đầu năm đến nay, toàn ngành NN&PTNT đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

9 tháng qua, toàn ngành Nông nghiệp đạt tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt tăng 2,6%, cao trong nhiều năm trở lại đây, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%. Giá trị sản xuất trong 9 tháng đạt 1,1 triệu tỷ đồng. Ngành đảm bảo an ninh lương thực, thị trường xuất khẩu (XK) có tín hiệu tốt.

Cụ thể, tháng 9, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 22% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, do giá trị XK của một số mặt hàng XK chính giảm sâu nên tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 38,48 tỷ USD, trong đó, nhóm thuỷ sản 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2022. Nhờ sức đóng góp của mặt hàng rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, nhóm nông sản đạt kim ngạch tới 19,54 tỷ USD, tăng 16,7%. XK sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng tới 26,4%.

Đáng chú ý, ở nhóm nông sản, đóng góp lớn nhất là XK rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; xuất khẩu gạo 3,66 đạt tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Ông Hoàng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhận định từ nay đến hết năm 2023, XK rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, cuối năm cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn.

Đối với mặt hàng gạo, gạo Việt Nam đang được XK nhiều nhất đến các thị trường trong Hiệp định đối tác toàn diện khu vực. Giá gạo XK trung bình của Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt có thời điểm giá gạo XK lên đến gần 650 USD/tấn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, sau khi bảo đảm an ninh lương thực trong nước và chế biến, làm giống, thức ăn chăn nuôi thì năm 2023, Việt Nam có thể XK được 7,5 - 8 triệu tấn gạo, cao hơn 400.000 - 900.000 tấn so với năm 2022 - một năm được xem là kỷ lục trong XK gạo của Việt Nam.

Phấn đấu xuất khẩu phải đạt 5 tỷ USD/tháng

Năm 2023, ngành NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,5%; trong đó, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản khoảng 53 - 54 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Văn Việt, với kết quả XK nói trên, trong 3 tháng còn lại của năm, nếu mỗi tháng ngành Nông nghiệp XK đạt 5 tỷ USD thì cả năm sẽ đạt mục tiêu XK khoảng 54 tỷ USD, đúng mức Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp từ 3,4 – 3,5% hoàn toàn khả thi trong năm 2023, quan trọng nhất là tập trung cho XK các ngành hàng để đạt mục tiêu 54 tỷ USD.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm để có thể về đích cả về tỷ lệ tăng trưởng và giá trị XK. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị phối hợp tốt trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, nỗ lực xúc tiến mở rộng thêm các mặt hàng XK chính ngạch khác; đồng thời đảm bảo dự báo thị trường phục vụ tốt cho nông dân, tránh dư thừa không tiêu thụ được.

Không những vậy, bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho XK nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu... Song song đó, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh XK hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng XK mới.

Với chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... trên các đối tượng vật nuôi.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, vụ đông là vụ rau rất đặc biệt của Việt Nam với giá trị kinh tế cao do tập trung hoàn toàn vào sản xuất hàng hóa, ngoài đáp ứng nhu cầu nội tiêu còn phục vụ mục tiêu XK sang một số thị như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia…Các cơ quan chuyên môn sẽ tích cực phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn (nếu có) để đẩy mạnh xuất khẩu rau vụ đông sang thị trường Trung Quốc.

9 tháng, tổng xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 68,92 tỷ USD

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu 8,04 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.