Các con số lạc quan

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020. Tính đến 30/6/2022, tín dụng đã tăng 9,35%, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, việc tín dụng tăng trưởng mạnh cũng là yếu tố nền tảng cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận.

Một số ngân hàng đạt lợi nhuận tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2022 có thể kể đến là Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)....

Nhiều ngân hàng đã tối ưu lợi nhuận nhờ gia tăng dịch vụ thanh toán.
Nhiều ngân hàng đã tối ưu lợi nhuận nhờ gia tăng dịch vụ thanh toán.

Theo đó, các ngân hàng TMCP nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV) vẫn giữ được vai trò dẫn dắt về lợi nhuận trong thời gian qua, khi đều ghi nhận tăng trưởng cao và tỷ lệ an toàn tài chính cũng giữ ở mức khá tốt. VietinBank cho thấy một kỳ kinh doanh thu hoạch tốt khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2022 lên tới 4.681 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh tới gấp hơn 2 lần so với kết quả lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của VietinBank đạt 9.379 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng gần 8% so với nửa đầu năm 2021.

Vietcombank cũng đạt kết quả tăng trưởng lợi nhuận cũng khá ấn tượng, ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2022 đạt 5.937 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đạt 13.909 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 28% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, BIDV cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt tới 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,8% kế hoạch năm. Một số chỉ tiêu tài chính khác của BIDV cho thấy, tổng tài sản hợp nhất cuối quý II/2022 đạt trên 1,98 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với đầu năm; cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm... Tỷ lệ trang trải nợ xấu của ngân hàng này đạt 279%, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng so với mức 235% thời điểm 31/12/2021.

Ẩn hiện những “điểm gợn”

Đánh giá về tình hình kinh doanh của các ngân hàng, TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua các ngân hàng gia tăng được lợi nhuận một phần nhờ thực hiện các giải pháp số hóa, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tiết giảm chi phí… Thực tế, nhiều ngân hàng đã tối ưu lợi nhuận nhờ gia tăng dịch vụ thanh toán, qua đó tăng tỷ lệ vốn từ tiền gửi không kỳ hạn nên giảm đáng kể chi phí huy động vốn. Trong 6 tháng đầu năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3% và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).

Các ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển mạng lưới

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 15,31 đơn vị; tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 32,13%. Số lượng máy ATM bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 27,70 máy; số lượng máy POS bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 439,26 máy. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên, trong bức tranh chung vẫn có những ngân hàng không hoàn toàn đạt được tăng trưởng tốt, thực tế vẫn có những ngân hàng phải chấp nhận sụt giảm lợi nhuận. Chẳng hạn như, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 là 1.392 tỷ đồng, giảm khoảng 18% so với nửa đầu năm 2021. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng giảm 309 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn này, thu nhập lãi thuần và các khoản thu nhập tương tự của Sacombank bị giảm 472,2 tỷ đồng.

Nhìn vào “thể trạng” chung của các ngân hàng thì nhà đầu tư có thể không chỉ “hút” vào các con số lợi nhuận, mà nhiều chỉ tiêu tài chính khác cũng rất đáng chú ý để đánh giá sức khỏe của các ngân hàng. Một số ngân hàng đang có tín hiệu “nhúc nhích” tăng nợ xấu, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng từ 1.366 tỷ đồng lên 1.656 tỷ đồng. So sánh mối tương ứng với tăng trưởng tín dụng, nợ xấu của Eximbank đang nhích tăng từ mức khoảng 1,18% thời điểm cuối năm 2021 lên mức khoảng 1,33% vào giữa năm 2022.

Ngoài ra, từ ngày 30/6/2022 đã hết thời gian được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN về giãn, hoãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó sau thời điểm này, nhiều khoản nợ khách hàng gặp khó khăn như trước đây sẽ không được tiếp tục tái cơ cấu, nếu khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ sẽ bị chuyển thành nợ xấu. Hay nói cách khác, một số khoản nợ của một số ngân hàng trước đây vẫn ở dạng “nợ xấu ẩn” có thể sẽ phải lộ ra trong thời gian tới.