![]() |
Một số khó khăn, tồn tại khiến tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh vẫn khiêm tốn, dù tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh tư liệu |
Các nhà băng tiên phong dẫn dắt tín dụng xanh
Chia sẻ gần đây, bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp BIDV nhấn mạnh, phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh được coi là định hướng chiến lược xuyên suốt, trong đó, tại chiến lược phát triển của mình, BIDV đặt ra mục tiêu trở thành ngân hàng net zero vào năm 2050.
Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng ấn tượng 26%/năm"Tính đến ngày 31/5/2025, BIDV cấp tín dụng xanh cho 1.569 khách hàng với 1.943 dự án, phương án, tổng dư nợ xanh đạt 78.076 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ, trong đó lĩnh vực năng lượng xanh và tái tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất 73,4%. Trong giai đoạn 2021 - 2025, dư nợ tín dụng xanh của BIDV tăng trưởng bình quân 26%/năm, từ 32.000 tỷ đồng cuối năm 2020 lên khoảng 81.000 tỷ đồng cuối năm 2024". Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp BIDV |
Để đạt được mục tiêu này, bà Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết, BIDV chủ động xây dựng các chính sách kiểm soát và hạn chế dần việc cấp tín dụng đối với các ngành có phát thải carbon cao như: sắt thép, xi măng, phân bón; đồng thời, ưu tiên áp dụng các cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, tỷ giá nhằm tăng tỷ trọng tài trợ cho các lĩnh vực, dự án xanh.
Đặc biệt, BIDV tập trung đẩy mạnh huy động vốn phục vụ các hoạt động tín dụng xanh thông qua nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả. Trong lĩnh vực phát hành trái phiếu ESG, năm 2023, BIDV phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế. Tiếp nối thành công đó, năm 2024, BIDV tiếp tục phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững huy động vốn cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, công trình xanh và nhà ở xã hội.
Song song với đó, ngân hàng tích cực đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh. Trong đó, BIDV thiết kế các gói tín dụng chuyên biệt theo từng lĩnh vực với khách hàng doanh nghiệp, bao gồm: gói dệt may xanh trị giá 4.200 tỷ đồng; gói tài trợ công trình xanh 10.000 tỷ đồng; tín dụng xanh cho dự án cấp nước sạch 5.000 tỷ đồng; hay tài chính xanh cho doanh nghiệp cảng biển với quy mô 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đẩy mạnh hợp tác với các định chế tài chính quốc tế nhằm huy động nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho phát triển bền vững.
"BIDV không ngừng nâng cao năng lực thể chế, hoàn thiện quy trình nội bộ liên quan đến quản lý tín dụng xanh, rủi ro môi trường - xã hội" - bà Phượng nhấn mạnh.
Từ góc nhìn định chế tài chính quốc tế, bà Tan Mona - Giám đốc Tài chính Bền vững khu vực ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered cho biết, ngân hàng đã ban hành quy định về tín dụng xanh áp dụng trên toàn cầu và tích cực đồng hành cùng các ngân hàng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh.
Ngân hàng đặt mục tiêu huy động 300 tỷ USD tài chính xanh và bền vững đến năm 2030, với tốc độ tăng trưởng tài sản tài chính bền vững đạt khoảng 32%/năm. Bên cạnh đó, Standard Chartered cũng thúc đẩy các hoạt động tài trợ thương mại chuyển đổi xanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, điển hình là cho vay đối với Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam. Kể từ khi thành lập tại Việt Nam, Tung Ho áp dụng phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng 95 - 100% phế liệu, thép tái chế làm nguyên liệu đầu vào và phương pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng và giảm tới 75% lượng phát thải CO2.
Tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn vướng nhiều rào cản
Dù đạt được những tiến bộ nhất định, việc triển khai tín dụng xanh trong nông nghiệp, nông thôn vẫn đối mặt nhiều thách thức. Chính Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn thừa nhận một số khó khăn, tồn tại khiến tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh vẫn khiêm tốn, dù tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ so với toàn ngành. Theo đó, khung pháp lý vẫn chưa hoàn chỉnh, công cụ thẩm định hạn chế; thời gian thu hồi vốn các dự án xanh thường dài; khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh quốc tế còn thấp và năng lực đội ngũ ngân hàng về quản lý môi trường - xã hội - khí hậu vẫn là điểm yếu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank, bộ tiêu chí, danh mục dự án xanh được ban hành tại Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 4/7/2025 (Quyết định số 21), đây là cơ sở pháp lý và chuẩn mực cho các tổ chức tín dụng xác định cơ sở phân loại, tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu áp dụng đối với các dự án, khách hàng trong hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, cần văn bản hướng dẫn có liên quan của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành để triển khai thực hiện.
"Đối với thu hút nguồn vốn nước ngoài, tuy nguồn vốn xanh quốc tế đầu tư vào Việt Nam rất lớn và có xu hướng tăng trưởng nhanh, nhưng mức lãi suất chưa thực sự cạnh tranh với huy động vốn trong nước, trong khi tiêu chí, yêu cầu cho vay khắt khe và phức tạp trong việc xác định đối tượng cho vay phù hợp" - đại diện Agribank nêu rõ khó khăn.
Do đó, tổ chức tín dụng không còn tiếp cận được các nguồn vốn quốc tế giá rẻ, ưu đãi lãi suất... Đây là một trong những nguyên nhân tổ chức tín dụng hạn chế trong việc tiếp nhận nguồn vốn vay, ủy thác từ các tổ chức quốc tế.
Cùng chung quan điểm, đại diện BIDV cho rằng, hiện khung pháp lý về phát hành và quản lý trái phiếu xanh chưa đầy đủ, thiếu các cơ chế giám sát, đảm bảo dòng vốn phát hành được sử dụng đúng mục đích. "Cơ chế khuyến khích tín dụng xanh còn thiếu cụ thể, chưa có hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn tái cấp vốn, trong khi vốn huy động chủ yếu ngắn hạn không phù hợp đặc thù tín dụng xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí cao" - đại diện BIDV nhìn nhận.
Sắp có thêm hướng dẫn cho vay xanh và chính sách hỗ trợ lãi suấtTheo Ngân hàng Nhà nước, đến quý I/2025, có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh với tổng giá trị trên 704.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2024, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân trên 21%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Danh mục cho vay xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm khoảng 37%), nông nghiệp xanh (trên 29%). Song song đó, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh quản trị rủi ro môi trường trong cấp tín dụng. Ghi nhận ý kiến của các đơn vị, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cho vay và báo cáo thống kê tín dụng xanh đối với các dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo Quyết định số 21. "Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn ESG" - bà Tùng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, tích cực đàm phán, tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức ở trong và ngoài nước để tiếp nhận các hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để triển khai các hoạt động về tài chính xanh, ngân hàng xanh, đặc biệt là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngân hàng về ngân hàng xanh - tín dụng xanh, biến đổi khí hậu. |