SB

Ảnh minh họa.

Bên lề phiên họp Quốc hội sáng 23/5, đại biểu Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh chủ đề này.

* Thưa ông, vừa qua dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về việc nhượng quyền khai thác sân bay, bến cảng…, trong đó có nhiều băn khoăn về lợi ích của người dân, của doanh nghiệp. Điều này đặt ra vấn đề gì về trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội?

- Thực ra, một số trường hợp dùng từ chưa chính xác như là “bán” sân bay, “bán” bến cảng nên đã gây hiểu lầm, lo ngại. Từ chính xác ở đây là nhượng quyền khai thác. Quyền khai thác và quyền sở hữu khác nhau, phải phân biệt để người dân hiểu cho rõ.

Không phải chúng ta bán hết sân bay hay bến cảng. Trong nhượng quyền, phải phân loại tài sản, không phải cảng nào, sân bay nào cũng để cho nước ngoài khai thác mà phải chú trọng quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia.

Việc nhượng quyền phải có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, để giải quyết vấn đề vốn, đầu tư vào lĩnh vực khác mà chúng ta đang thiếu. Hiện nay ngân sách nhà nước không đủ để đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, nên đó là giải pháp cần thiết.

* Ngay trong báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội vừa qua cũng đã nêu ý kiến lo ngại việc chuyển nhượng hạ tầng sân bay, cảng biển, có thể làm tăng gánh nặng người dân và doanh nghiệp. Vậy cụ thể ý kiến này là thế nào, thưa ông ?

- Trong ý kiến này, quan điểm của Ủy ban Kinh tế là cân bằng các lợi ích, lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân. Xuất phát từ thực tế là phản ánh của một số Hiệp hội cũng như một số doanh nghiệp, người dân… nên Ủy ban Kinh tế phải lưu ý. Việc chuyển nhượng như vậy phải được kiểm soát để không tạo ra độc quyền, tạo ra gánh nặng cho người dân. Tới đây, khi các đại biểu nêu các ý kiến cụ thể thì cơ quan có trách nhiệm sẽ phải giải trình.

Nhượng quyền sân bay, bến cảng: Phải kiểm soát để không độc quyền
Việc chuyển nhượng như vậy phải được kiểm soát để không tạo ra độc quyền, tạo ra gánh nặng cho người dân. Tới đây, khi các đại biểu nêu các ý kiến cụ thể thì cơ quan có trách nhiệm sẽ phải giải trình.   ĐB Nguyễn Văn Phúc

* Liệu có phải chúng ta đang lo chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân không?

- Nói như vậy thì hơi xa. Xét trường hợp cụ thể như là một con đường do Nhà nước đầu tư, bây giờ Nhà nước cần chuyển nhượng quyền khai thác để lấy vốn đầu tư vào con đường khác. Đó là chủ trương rất đúng, giải pháp hay. Tuy nhiên khi chuyển cho tư nhân thì phải lưu ý kiểm soát mức phí để cân bằng lợi ích các bên.

* Chủ trương là đúng nhưng khi thực hiện thì cũng nảy sinh một số bức xúc như việc nhượng quyền đường bộ vừa qua. Các cơ quan chủ quản như là Bộ Giao thông vận tải cho biết cũng đã kiểm soát chặt chẽ, nhưng như vậy liệu đã đủ chưa hay cần các quy định mạnh mẽ hơn để làm cơ sở cho giám sát tổng thể trong lĩnh vực này, thưa ông?

- Những bất cập đương nhiên phải chấn chỉnh, sau khi nhượng quyền khai thác vẫn phải đảm bảo lợi ích của người dân, không để họ phải chịu mức phí cao vô lý. Trên thực tế, có những đoạn đường cũng phải kiểm soát lại, có những trạm thu phí phải kiểm tra lại tính hợp lý khi người dân phản ánh những bức xúc.

Trong các luật Quốc hội đã ban hành như Luật Đầu tư, đã có đề cập về các hình thức đầu tư, yêu cầu phải đảm bảo lợi ích của người dân chứ không phải là “buông” việc quản lý.

Ủy ban Quốc phòng an ninh và đoàn giám sát đã đặt vấn đề về chuyển nhượng quyền khai thác cảng biển, sân bay và đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải. Vấn đề mới và nhạy cảm hiện nay là các sân bay.

Thông thường, các cảng hàng không của chúng ta là lưỡng dụng (cả dân sự và quân sự), nên việc chuyển nhượng phải cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thu hút đầu tư, cần vốn để đầu tư những công trình mới như sân bay Long Thành…

Vì vậy phải lựa chọn hạng mục nào thì nhà nước phải giữ, phải đầu tư, hạng mục nào thì có thể kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác, để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng an ninh. Các tiêu chí này được làm rõ thì sẽ giải quyết được những lo ngại mà dư luận đã nêu.

* Xin cảm ơn ông ./.

H.Y