CP

Cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 1/10. Ảnh nguồn chinhphu.vn

GDP có khả năng vượt mức 6,7%

Chiều 1/10, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về một số nội dung của phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, ngay trước thềm Hội nghị Trung ương 8 và Kỳ họp Quốc hội.

Cụ thể, các thành viên Chính phủ đánh giá tình hình 9 tháng đầu năm đạt kết quả toàn diện trên các mặt. GDP 9 tháng năm 2018 tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% và dự kiến sẽ kiểm soát được chỉ số CPI theo chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%. Kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%. Trong 9 tháng tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, đạt mức kỷ lục.

Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 963.400 tỷ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn. Gần 23.000 DN quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số tạm dừng hoạt động cũng tăng cao.

Theo khảo sát, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% số người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp, 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định, chúng ta sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2018, với 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt. Thu ngân sách 2018 dự kiến tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với 2017.

Một con số rất ấn tượng là bội chi năm 2018 dự kiến là 3,67%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 3,7%. Tính chung, nếu giữ được tốc độ tăng trưởng này thì GDP cả năm sẽ vượt mức 6,7%. Nếu tăng trưởng GDP quý IV/2018 đạt 6,8 - 6,9% thì cả năm chắc chắn vượt mức 6,7%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu nhìn nhận rõ những bất cập, khó khăn, yếu kém, đặc biệt là những diễn biến phức tạp từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, không chủ quan, thỏa mãn với thành tích đạt được.

Khẩn trương xử lý gần 5.000 container phế thải, phế liệu

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo nhiều bộ, ngành cũng đã tham gia trả lời về một số vấn đề được dư luận quan tâm.

Trả lời câu hỏi về vụ việc hàng nghìn container đang tồn đọng tại các cảng biển gây nhiều hệ lụy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, theo thống kê đến ngày 6/9, số container tồn đọng quá 90 ngày (coi như vô chủ) có khoảng trên 4.900 container, chiếm 32% số container còn tồn đọng. Các container này sẽ được phân loại để xử lý theo 2 hướng.

Thứ nhất là, những lô hàng phế liệu do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu, sản xuất, chiếm khoảng 42% của 116 tổ chức cá nhân, được cơ quan hải quan yêu cầu khẩn trương làm thủ tục thông quan theo quy định.

Thứ hai là, trường hợp các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu bảo đảm môi trường thì sẽ được xử lý theo 2 hướng buộc tái xuất hoặc tiêu hủy và chi phí xử lý do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chi trả.

Đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu vô chủ thì xác minh các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xử lý như chất thải nguy hại hoặc tái chế. Quá trình này phải thực hiện theo các quy định của Chính phủ, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản và theo quy định thì xử lý theo quy trình này sau thời hạn 5 tháng.

NTH
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: H.Y

Tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN

Liên quan đến việc xử lý loại hình cho vay online đang nở rộ, thậm chí với lãi suất cao, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây cũng là hình thức "tín dụng đen".

Thời gian qua NHNN đã liên tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, trong đó có những văn bản quy định về cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thực hiện theo Thông tư 39 và ban hành một văn bản riêng đối với tín dụng tiêu dùng của các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính.

Việc phát triển và mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty này sẽ giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, hạn chế và không phải tiếp cận tín dụng từ nguồn tín dụng đen.

NHNN cũng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, phát triển tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của ngân hàng chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp và ở vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng cũng như hoạt động của các tổ chức tín dung; còn đối với tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN nhưng cũng liên quan đến mảng quản lý trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật.

Do đó, trong thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo Chính phủ, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen tràn lan./.

H.Y