Phát huy vai trò tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng phát biểu tại hội thảo.

Cần giải pháp cấp vốn cho xuất khẩu

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Lưu Mạnh Tưởng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam hiện có 6 nguồn vốn dành cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng.

Trong đó, vốn tín dụng vẫn là kênh huy động lớn nhất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 48,71%), còn lại được huy động từ các nguồn khác.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do thiếu thông tin minh bạch, quản trị chưa theo chuẩn mực; thiếu tài sản đảm bảo; định hạng tín nhiệm chưa có, hoặc ở mức thấp; yêu cầu nhiều vốn tối thiểu và dự phòng rủi ro hơn từ đơn vị tài chính tín dụng khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh việc tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại, tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, các biện pháp và giải pháp tài trợ, cấp vốn cho xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất khẩu là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Xét theo tương quan giữa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu những năm gần đây thì tỷ lệ GDP – kim ngạch xuất khẩu – kim ngạch nhập khẩu những năm gần đây xấp xỉ là 1-1-1.

Bên cạnh đó cần có các giải pháp tổng thể từ Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất hướng đến xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong thủ tục xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng tình với nhận định nói trên, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Phát huy vai trò tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Tương quan giữa GDP với kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu những năm gần đây. Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm hơn dự báo. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020.

“Trong bức tranh chung đó, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu chịu nhiều khó khăn hơn cả. Các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nhìn chung cũng gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tình hình nói trên đặt ra bài toán cần phát huy mọi công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng” - ông Thiều nhấn mạnh.

Ngành Hải quan đã tạo thuận lợi tối đa

Là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, ngành Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Cụ thể, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng chia sẻ, đã trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh theo hướng thủ tục hải quan được đơn giản hoá, các bước/trình tự quy trình thủ tục hải quan được tối ưu hóa, tạo thuận lợi tối đa cho người khai hải quan nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý của cơ quan hải quan.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tiến tới số hóa quy trình theo mô hình hải quan số, hải quan thông minh; hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan.

Phát huy vai trò tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, hội thảo được tổ chức hôm nay cũng là một kênh để kết nối, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tháo gỡ những khó khăn, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính để ổn định và phát triển sản xuất, đưa ra các đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Còn theo lãnh đạo Học viện Tài chính, thông qua hội thảo, hi vọng các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ cùng nhau làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về vai trò tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu; đánh giá thực trạng vai trò của tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và trao đổi, thảo luận các giải pháp phát huy vai trò tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam và thế giới hiện có nhiều yếu tố bất lợi và có thể có những biến động khó lường.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều đơn vị hải quan địa phương lớn như Bắc Ninh, Bình Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh... và nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.