![]() |
Việc xem tiền mã hóa là tài sản, hàng hóa hay phương thức thanh toán sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách đánh thuế. Ảnh minh họa |
Rủi ro trốn thuế từ tính ẩn danh trong giao dịch
Trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh vấn đề xây dựng chính sách thuế cho tài sản mã hóa, TS. Chu Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, dù có tiềm năng tạo ra nguồn thu ngân sách rất lớn, việc triển khai hệ thống thuế đối với tài sản mã hóa tại Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức. Theo ông Tuấn, một trong những rào cản lớn nhất chính là tính ẩn danh trong giao dịch.
Tiềm năng thu ngân sách rất lớn Việt Nam hiện nằm trong top 5 toàn cầu về mức độ phổ biến tiền mã hóa, với hơn 17 triệu người dùng và tổng giá trị giao dịch ước đạt trên 100 tỷ USD mỗi năm (theo báo cáo của Chainalysis, 2024). Điều này cho thấy tiềm năng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động này là vô cùng lớn. |
Phân tích cụ thể hơn, TS. Chu Thanh Tuấn cho biết, khác với các giao dịch tài chính truyền thống, tài sản mã hóa cho phép giao dịch gần như ẩn danh, điều này gây khó khăn cho việc xác định người nộp thuế. Không giống hệ thống ngân hàng truyền thống, nơi ngân hàng báo cáo lãi suất và các công ty môi giới báo cáo giao dịch, tài sản mã hóa được vận hành trên mạng lưới blockchain phi tập trung không thông qua các ngân hàng. Việc không có trung gian để báo cáo gây khó khăn cho việc theo dõi và kiểm soát dòng tiền.
Do đó, Việt Nam sẽ cần các cơ chế mạnh mẽ để liên kết ví tài sản mã hóa với danh tính thực tế, có thể thông qua các quy định KYC (quy trình xác minh danh tính khách hàng) trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, ngay cả khi có KYC, người dùng vẫn có thể rút tài sản về ví cá nhân hoặc giao dịch ngang hàng (P2P), khiến việc giám sát trở nên khó khăn. Các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) và các sàn giao dịch nước ngoài cho phép người dùng Việt Nam giao dịch mà không bị kiểm soát trong nước. Điều này làm phức tạp hóa việc theo dõi dòng vốn, đặt ra thách thức lớn cho cơ quan thuế.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia của Đại học RMIT, các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý tới hoạt động giao dịch xuyên biên giới và trốn thuế khi xét tới chính sách thuế cho tài sản mã hóa. Tài sản mã hóa là một thị trường toàn cầu và nhà đầu tư Việt Nam có thể giao dịch trên các sàn giao dịch nước ngoài như Binance hoặc sàn DeFi không có trụ sở quốc gia.
Nếu Việt Nam chỉ áp dụng thuế đối với các sàn giao dịch trong nước, người dùng có thể chuyển sang nền tảng nước ngoài hoặc sử dụng VPN (mạng riêng ảo) để tránh báo cáo thuế. Điều này có thể làm suy yếu nguồn thu thuế và gây khó khăn trong quản lý tài chính quốc gia. Do đó, đây là các yếu tố cơ quan quản lý cần phải tính đến và Việt Nam cần xem xét hợp tác quốc tế hoặc yêu cầu chia sẻ dữ liệu từ các sàn giao dịch lớn theo mô hình Tiêu chuẩn báo cáo chung (CRS)/Đạo luật Tuân thủ thuế với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA) của OECD, để giám sát dòng tiền.
Thiết lập hệ thống thuế đơn giản, cạnh tranh và cân bằng
Việt Nam đang tiến gần hơn tới việc hợp pháp hóa các giao dịch tài sản mã hóa, khi Chính phủ đã giao Bộ Tài chính gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tài sản mã hóa. Trong khi Chính phủ đang chủ động thảo luận việc hợp pháp hóa tiền mã hóa, hiện vẫn chưa có quy định chính thức về cách phân loại và quản lý loại tài sản này.
Theo giới chuyên gia, việc xem tiền mã hóa là tài sản, hàng hóa hay phương thức thanh toán sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách đánh thuế. Thiếu định nghĩa pháp lý rõ ràng sẽ gây khó khăn cho việc triển khai hệ thống thuế công bằng và hiệu quả. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có định nghĩa rõ ràng cho các loại hình tài sản mã hóa.
Có ý kiến cũng đã cảnh báo về nguy cơ dòng vốn chảy ra nước ngoài nếu chúng ta không thiết kế tốt chính sách thuế. Đơn cử như tại Ấn Độ, khi chính phủ nước này áp thuế 30% đối với lợi nhuận từ tiền mã hóa và 1% thuế trên mỗi giao dịch, khối lượng giao dịch trong nước đã giảm tới 70%, vì nhà đầu tư chuyển sang các sàn giao dịch nước ngoài.
“Nếu Việt Nam triển khai mức thuế quá cao hoặc hệ thống thuế quá phức tạp, nhà đầu tư có thể chuyển hoạt động sang các thị trường thân thiện hơn như Singapore hay Dubai, khiến thất thoát nguồn thu thuế tiềm năng” - TS. Chu Thanh Tuấn cảnh báo.
Để thu hút đầu tư nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu thuế ổn định, giới chuyên gia gợi ý, Việt Nam cần một mô hình thuế cân bằng. Cơ quan quản lý có thể tính đến việc thực thi chính sách thuế giao dịch thấp, kết hợp với thuế lãi về vốn trong khung thuế thu nhập cá nhân có thể giúp duy trì tính công bằng, nhưng không làm suy yếu thị trường. Ngoài ra, Việt Nam nên cân nhắc miễn thuế giá trị gia tăng cho tiền mã hóa, như cách Liên minh châu Âu và Singapore đã thực hiện, nhằm tránh đánh thuế hai lần và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực.
Để đánh thuế tài sản mã hóa một cách hiệu quả, Việt Nam cần đầu tư vào các công cụ phân tích blockchain tiên tiến. Tuy nhiên, điều này sẽ vấp phải khó khăn vì nhiều loại tiền mã hóa, như Monero hay Zcash, được thiết kế nhằm bảo mật tối đa. Những công cụ này khiến cho việc theo dõi các giao dịch gần như bất khả thi nếu không có sự hợp tác từ các sàn giao dịch.
Cùng với đó, ngành Thuế sẽ cần phần mềm chuyên biệt để theo dõi giao dịch, nhận diện mô hình trốn thuế và kiểm tra sự tuân thủ của nhà đầu tư. Việt Nam cần đánh giá chi phí thực thi thuế so với doanh thu thuế tiềm năng, tập trung vào các khu vực có thể thu thuế hiệu quả nhất, chẳng hạn như giám sát các sàn giao dịch lớn và các nhà giao dịch có khối lượng cao.
Ngay cả khi có luật, theo TS. Chu Thanh Tuấn, việc thực thi cũng sẽ đối mặt với rất khó khăn do tính chất phức tạp của giao dịch tài sản mã hóa. Việc tính toán thuế yêu cầu theo dõi giá mua, giá bán, cũng như các sự kiện như hoán đổi token và airdrop. Việt Nam có thể yêu cầu các sàn giao dịch được cấp phép báo cáo toàn bộ giao dịch của người dùng và thu thuế thay nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này sẽ phức tạp, đặc biệt khi có nhiều sàn giao dịch và người dùng sử dụng nhiều ví tiền khác nhau.
Tạo thêm nguồn thu từ phí cấp phép hoạt động Theo giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách nên cảnh giác về tác động của luật đối với hành vi thị trường. Để giữ chân các nhà giao dịch trên nền tảng Việt Nam, tổng chi phí giao dịch (phí + thuế) phải cạnh tranh với việc sử dụng các giải pháp thay thế phi tập trung hoặc của nước ngoài. Nếu cần, Việt Nam có thể chặn các sàn giao dịch không có giấy phép và tạo điều kiện hấp dẫn. Chính phủ cũng có thể cân nhắc triển khai theo từng giai đoạn: ví dụ, bắt đầu với mức thuế suất thấp hoặc chỉ đánh thuế trên một số mức lợi nhuận nhất định và điều chỉnh khi thị trường trưởng thành. Thay vì chỉ tập trung vào nguồn thu từ thuế, Chính phủ còn có thể tạo thêm nguồn thu từ phí cấp phép hoạt động, bằng cách yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa và các dự án phát hành tiền mã hóa lần đầu phải đăng ký chính thức. Thiết lập một khuôn khổ cấp phép minh bạch không chỉ giúp tăng nguồn thu, mà còn tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và giảm rủi ro liên quan đến các dự án chất lượng kém. Nếu thiết lập được một hệ thống thuế đơn giản, cạnh tranh và cân bằng, Việt Nam có thể vừa tạo được nguồn thu đáng kể từ tiền mã hóa, vừa thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái tài sản số bền vững. |