Phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam Hoạt động mua bán, sáp nhập thời đại dịch: Cơ hội vươn lên cho doanh nghiệp Việt Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng với dịch Covid-19 để phát triển

Ngày 25/12, Học viện Tài chính phối hợp với Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa đáp ứng hội nhập quốc tế
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đào Loan.

Nhà đầu tư có cơ hội đầu tư mới thay vì các kênh truyền thống

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, trong những năm gần đây, thị trường hàng hóa phái sinh ở Việt Nam là kênh đầu tư mới đầy tiềm năng, thu hút đông đảo nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.

Nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng lớn, mô hình giao dịch hàng hóa qua sàn mang đến cơ hội mới, cũng như tạo ra một thị trường hàng hóa phái sinh hiệu quả cho nhiều nhà đầu tư với 4 nhóm mặt hàng chính như: Năng lượng, kim loại, nông sản và nguyên liệu công nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, các hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa sẽ giúp người nông dân có được công cụ bảo hiểm giá nhằm giảm thiểu được các rủi ro rớt giá của các mặt hàng. Các doanh nghiệp thương mại có thể chủ động định giá chuẩn và an tâm sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu hiệu quả hơn. Thậm chí, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có cơ hội đầu tư mới thay vì các kênh truyền thống như chứng khoán, ngoại hối…

Chia sẻ về thị trường phái sinh hàng hóa, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc MXV cho hay, trải qua 10 năm xây dựng và phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, MXV vẫn tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường hàng hóa quốc tế và các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới nhằm tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam một cách minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Hiện MXV đã liên thông hầu hết các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới như: Sở giao dịch kim loại London - London Metal Exchange (LME); Sở giao dịch hàng hóa Chicago - CME Group; Sở giao dịch liên lục địa - ICE; Sở giao dịch Osaka Exchange - OSE; Sở giao dịch hàng hóa Singapore - SGX… Việc liên thông với các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới đã giúp MXV niêm yết giao dịch 38 sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành hàng là nông sản, nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng. Các sản phẩm sẽ được giao dịch bằng các hình thức khác nhau như: Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn, chênh lệch giá Spread. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng giao dịch tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.

“MXV đã hợp tác với đối tác công nghệ CQG - nhà cung cấp công nghệ lâu đời và uy tín nhất thế giới để cung cấp nền tảng giao dịch cho thị trường Việt Nam. Với vai trò là sở giao dịch hàng hóa đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, trong thời gian tới, MXV thực hiện chiến lược củng cố thị trường giao dịch hàng hóa tập trung trong nước, phấn đấu đạt vị thế của một sở giao dịch hàng hóa tầm cỡ trong khu vực” - ông Dũng cho biết.

Phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa đáp ứng hội nhập quốc tế
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đào Loan.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường

Theo ông Dũng, thị trường giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam đang được vận hành theo mô hình hiệu quả được áp dụng tại các thị trường tiên tiến trên thế giới, đảm bảo quá trình xử lý giao dịch được xuyên suốt, tốc độ giao dịch hàng hóa nhanh chóng, thông tin chính xác. MXV thực hiện tất cả các nghiệp vụ thị trường bao gồm: Giao dịch; bù trừ; thanh toán; giao nhận. MXV cấp phép và quản lý hoạt động của tất cả các thành viên kinh doanh và thành viên môi giới. Đồng thời, MXV cung cấp nền tảng giao dịch giúp thành viên kinh doanh và thành viên môi giới dễ dàng thực hiện các giao dịch.

Các thành viên kinh doanh thực hiện vai trò mở tài khoản và quản lý tài khoản cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các thành viên kinh doanh có thể thực hiện dịch vụ môi giới cho nhà đầu tư. Đối với thành viên môi giới, họ chỉ có thể cung cấp dịch vụ môi giới cho các nhà đầu tư. Khi muốn thực hiện các giao dịch phái sinh hàng hóa, nhà đầu tư liên hệ với các thành viên kinh doanh của MXV để mở tài khoản giao dịch. Đến nay, số lượng tài khoản giao dịch đã tăng hơn 150% trong vòng một năm qua, hiện đạt gần 16.000 tài khoản.

Còn theo ông Lê Minh Phương - Giám đốc Công ty TNHH thương mại AIMS Futures Việt Nam, bên cạnh kết quả đạt được, thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam vẫn còn những thách thức. Trong đó, sự hiểu biết của nhà đầu tư về giao dịch phái sinh hàng hóa còn hạn chế. Ở Việt Nam, các kiến thức về giao dịch phái sinh hàng hóa còn khá mới mẻ, không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu và có thể thực hiện các giao dịch phái sinh hàng hóa hiệu quả nhằm phòng ngừa rủi ro và tạo lợi nhuận.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các kênh đầu tư chính như bất động sản, chứng khoán, vàng... hiện vẫn đang thu hút một lượng rất lớn các nhà đầu tư tham gia; trong khi số lượng thành viên có đủ điều kiện tham gia cung cấp các dịch vụ trên thị trường phái sinh hàng hóa còn ít, lực lượng nhân sự của các thành viên còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường. Ngoài ra, một số quy định trong các văn bản pháp lý có liên quan đến giao dịch phái sinh hàng hóa chưa đồng bộ, cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện.

Khuyến nghị giải pháp phát triển thị trường phái sinh hàng hóa trong thời gian tới, ông Phương cho rằng, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về lợi ích phòng ngừa rủi ro, tạo lợi nhuận của các sản phẩm phái sinh hàng hóa cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường trước những yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số nền kinh tế, MXV cũng như các đơn vị thành viên cần sớm có những thay đổi để phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài.

Đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa hệ thống giao dịch để thu hút và duy trì sự tham gia của các nhà đầu tư cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường và các giao dịch phái sinh hàng hóa. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành những văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ về hoạt động của sở giao dịch hàng hóa, các thành viên kinh doanh, thành viên môi giới, các quy định chi tiết về hợp đồng giao dịch, thanh toán bù trừ... tiến tới xây dựng Luật giao dịch phái sinh hàng hóa Việt Nam./.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý tập trung phân tích và thảo luận vào những nội dung: Lý luận về hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa, các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động phái sinh hàng hóa…; thực trạng thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam; định hướng phát triển thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam; triển vọng nghề nghiệp của sinh viên trong mảng thị trường phái sinh hàng hóa. Ban tổ chức nhận được hơn 20 bài tham luận, báo cáo và đã được lựa chọn đăng trong kỉ yếu của hội thảo.