13

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: TL

Đây là chia sẻ của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp (Học viện Tài chính) với phóng viên TBTCVN.

PV: Bên cạnh những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 trong 8 tháng qua, thì lĩnh vực, ngành nghề nào của Việt Nam vẫn là điểm sáng, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, khó khăn với các doanh nghiệp trong đợt bùng phát thứ 4 là rất nghiêm trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng rất tốt với sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong đó, nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn phát triển với tốc độ tăng trưởng tương đối tốt. Một số doanh nghiệp phía Bắc thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội, vừa khoanh vùng, dập dịch, thực hiện “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường 2 điểm đến” vừa tìm ra cách thức để thực hiện được những hợp đồng đã ký kết, thích ứng trong điều kiện bình thường mới.

pv13

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trước mắt, có thể thấy rất rõ một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng tốt như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7%, công nghiệp điện tử, đó là động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn như doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản, hay những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giầy do yêu cầu giãn cách xã hội, khó thực hiện được những hợp đồng đã ký.

PV: Theo ông, trong quá trình vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, những bài học mà chúng ta rút ra được là gì?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Bài học lớn nhất là tự thích ứng của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thực hiện thành công “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hay không tùy thuộc vào quyết tâm, sự cố gắng và vai trò kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thấy thật sự cần thực hiện “3 tại chỗ”, mong muốn tự nguyện chống dịch, nhưng vẫn cần thực hiện sản xuất, thực hiện các đơn hàng, các hợp đồng với bạn hàng, thì phải tích cực phòng chống dịch, thực hiện 5K và các biện pháp khác để đảm bảo an toàn sản xuất.

Bên cạnh đó, thực hiện “3 tại chỗ” đòi hỏi chi phí lớn về trang thiết bị, về chi phí tăng thêm do ăn ở, nghỉ ngơi tại chỗ, về tăng tiền lương… nên doanh nghiệp phải tính toán, nếu chi phí doanh nghiệp chịu đựng được để đảm bảo an toàn sản xuất, đáp ứng được yêu cầu thực hiện đơn hàng, hợp đồng của đối tác, tránh vi phạm các quy định với bạn hàng, giữ được tín nhiệm với đối tác, giữ được bạn hàng và thị trường mà không bị thiệt hại lớn hơn thì doanh nghiệp sẽ mong muốn thực hiện “3 tại chỗ”.

Chống dịch hiệu quả hay không là ở quyết tâm của doanh nghiệp

Thực hiện thành công “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hay không tùy thuộc vào quyết tâm, sự cố gắng và vai trò kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thấy thật sự cần thực hiện “3 tại chỗ”, mong muốn tự nguyện chống dịch, nhưng vẫn cần thực hiện sản xuất, thực hiện các đơn hàng, các hợp đồng với bạn hàng, thì phải tích cực phòng chống dịch, thực hiện 5K và các biện pháp khác để đảm bảo an toàn sản xuất.

Đồng thời, doanh nghiệp cần giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, quy trình an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, tuyên truyền cho công nhân để làm sao người lao động ý thức được quyền lợi của mình khi được đảm bảo công việc, đảm bảo thu nhập ổn định, tự nguyện, chủ động phòng chống dịch.

Để làm được điều này, sự hỗ trợ của Nhà nước là hết sức quan trọng, không chỉ hỗ trợ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả người lao động. Doanh nghiệp đã quyết tâm giữ ổn định sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là không để mất thị trường…thì các cơ quan Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ. Trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng cần làm tốt hơn nữa, cần hỗ trợ kinh phí ăn ở, đi lại, thiết bị phòng hộ y tế giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn có nhiều công nhân là hết sức quan trọng, cần sát cánh cùng doanh nghiệp phòng chống dịch làm sao không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất.

PV: Để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế những tháng cuối năm, theo ông, cần có những giải pháp triển khai đồng bộ ra sao để nền kinh tế có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là Chính phủ phải ưu tiên tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân ở các doanh nghiệp lớn, các khu công nghiệp để có thể quay trở lại sản xuất vào cuối tháng 9/2021. Nếu để chậm nữa là các doanh nghiệp sẽ mất bạn hàng, mất thị trường, điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế năm 2021 và các năm tiếp theo. Việt Nam lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng mà để mất thị trường thì ảnh hưởng sẽ rất lớn.

Thứ hai, xem xét miễn giảm chi phí, cho doanh nghiệp và toàn nền kinh tế trước thực trạng doanh nghiệp hiện nay đang rất đuối sức. Chính phủ thời gian vừa qua đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cần xem xét, tính toán xem có những mặt hàng, lĩnh vực nào có thể giảm được nữa thì nên giảm, ví như chi phí cảng biển, logistics, vận tải… cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu để có được chi phí tốt nhất.

Đồng thời, đẩy mạnh số hóa, cắt giảm thủ tục giấy tờ, giảm thời gian tiếp cận để giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, chính quyền địa phương tạo điều kiện phòng chống dịch trong khu dân cư, nơi tập trung đông lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn, đây là vấn đề quan trọng để kiểm soát tốt dịch bệnh… Chính quyền địa phương cần chủ động xem xét để nới lỏng giãn cách ở vùng xanh, cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tốt nhất, với chi phí thấp nhất.

Cùng với đó, các địa phương cần thực hiện các liên kết chặt chẽ với các địa phương khác để giảm thủ tục giấy tờ, giảm thời gian kiểm tra cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, tạo điều kiện an toàn phòng chống dịch, đồng thời đảm bảo thông thoáng dòng chảy hàng hóa, tiền tệ để doanh nghiệp đi vào sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tăng trưởng năm 2021 kỳ vọng sẽ đạt 5 - 5,6%

Trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này, cũng như sự kéo dài thời gian giãn cách để phòng chống dịch đã làm đứt gẫy chuỗi sản xuất, kinh doanh của các mặt hàng, lĩnh vực chủ lực trong xuất khẩu của nền kinh tế, kết quả kinh doanh và xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã suy giảm từ cuối tháng 7 và trong tháng 8/2021.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với những ảnh hưởng nặng nề như vậy, thì mức tăng trưởng kinh tế khó đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6 - 6,5% trong năm nay. Nếu hết tháng 9/2021 Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, thì vẫn có thể hy vọng đạt mức tăng trưởng 5 - 5,6% trong năm 2021. Trường hợp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh chậm hơn sẽ khó khăn trong đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm nay mà còn năm tiếp theo. Nếu chậm hơn tháng 9/2021 mới kiểm soát được dịch bệnh, thì mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4 - 4,6% trong năm 2021.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)