Logistics tăng trưởng 2 con số nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Phát triển logistics xanh là xu thế tất yếu trong thương mại quốc tế
Phát triển logistics xanh - xu thế tất yếu trong thương mại quốc tế. Ảnh: Hải Anh

“Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi.

Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 lên 616,30 tỷ USD, tăng 14,06 % so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, tại diễn đàn các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, song ngành logistics còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao…

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26 đã có những cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải. Do đó, trong những năm tới “Logistics xanh” được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp phát triển logistics xanh để tận dụng các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới để ngành phát triển, hỗ trợ mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030

Tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, trong bối cảnh phát triển mới, đặt ra yêu cầu ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Phát triển logistics xanh là xu thế tất yếu trong thương mại quốc tế
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: CTV

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới.

Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

Đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu, vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới.

Tại diễn đàn, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã nêu một số giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics; tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng; quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh; nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics.