Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết quý III/2021 còn hơn 824 tỷ đồng
Hạn chế dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu
Nghị định 95/2021/NĐ-CP: Sửa đổi bổ sung quy định giá cơ sở và điều kiện kinh doanh xăng dầu
Điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tạo dư địa cuối năm

Theo thông tư, các yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu, theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, bao gồm: giá Etanol nhiên liệu; tỷ lệ thể tích xăng, tỷ lệ thể tích Etanol nhiên liệu; tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới; chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu; chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, Premium trong nước; chi phí kinh doanh xăng dầu định mức; lợi nhuận định mức; tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

Giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày/lần. Ảnh: TL.
Giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày/lần. Ảnh: TL.

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền điều hành giá bán xăng dầu trong nước và các cơ quan khác có liên quan; thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Nguyên tắc xây dựng, điều chỉnh yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được quy định rõ như sau: Yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan, kết quả tổng hợp số liệu từ các thương nhân đầu mối và tình hình thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu trong từng thời kỳ.

Các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu là khoản chi phí tổng hợp tối đa được rà soát, đánh giá và xây dựng trên cơ sở nguồn số liệu theo quy định.

Các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức được rà soát, đánh giá và xem xét điều chỉnh định kỳ 6 tháng và hàng năm tương ứng với từng khoản chi phí, theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và quy định tại thông tư này.

Trường hợp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ biến động tăng hoặc giảm bất thường do yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đánh giá và phối hợp với Bộ Công thương xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức theo dõi, nắm bắt và đánh giá tình hình thực hiện thực tế tại đơn vị, kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công thương để có cơ sở xem xét điều chỉnh cho phù hợp theo quy định; chịu trách nhiệm về báo cáo của mình.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2/1/2022. Kể từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành, khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức, lợi nhuận định mức để tính giá cơ sở xăng dầu tiếp tục thực hiện theo mức đã được Bộ Tài chính thông báo cho đến khi có thông báo mới thay thế.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu với nhiều nội dung thay đổi về cơ chế điều hành xăng dầu và công thức tính giá.

Theo đó, giá cơ sở xăng dầu không chỉ được xác định từ nguồn nhập khẩu mà sẽ tính thêm từ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó là các khoản chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, chi phí kinh doanh định mức, mức trích lập quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, các khoản thuế phí và trích nộp khác theo quy định. Công thức tính có bổ sung quy định về cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền…

Ngoài ra, theo quy định mới này, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm xuống từ 15 ngày còn 10 ngày. Thời gian điều hành sẽ áp dụng vào ngày 1, ngày 11 và 21 hàng tháng, trường hợp kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, lễ, thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Nếu kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, sẽ lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Quỹ bình ổn giá vẫn được duy trì hoạt động, do thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập, hạch toán và theo dõi riêng, được vay vốn và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt quỹ./.