Việt Nam đứng thứ hai ở châu Á về trao đổi thương mại với Cuba

Trong số các nước Mỹ la tinh, Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt với Cuba. Về hợp tác kinh tế - thương mại, quan hệ chính trị tốt đẹp là cơ sở vững chắc để hai Đảng, Chính phủ và Nhà nước quan tâm phát triển quan hệ kinh tế - thương mại thông qua các chương trình, dự án hợp tác và đầu tư. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Cuba đạt xấp xỉ 105 triệu USD, tăng 2% so với năm 2020. Việt Nam có xu hướng xuất siêu sang Cuba. Hai bên đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 500 triệu USD vào năm 2025. Cuba vẫn nằm trong top 10 quốc gia có kim ngạch thương mại cao với Việt Nam tại khu vực châu Mỹ.

Việt Nam là 1 trong 10 nước dẫn đầu và đứng thứ hai ở khu vực châu Á về trao đổi thương mại với Cuba. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cuba chủ yếu là gạo, cà phê, sản phẩm hóa chất, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng…; trong đó gạo là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 4 dự án đã được cấp phép đầu tư tại Cuba; một số khác đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng. Việt Nam tiếp tục bán gạo cho Cuba với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ nước bạn, bảo đảm cung cấp lương thực cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương

Những năm qua, Việt Nam và Cuba đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, dầu khí, viễn thông, giáo dục và y tế… Trong khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, đã thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì Cuba sau thời gian nghiên cứu kinh nghiệm Việt Nam và các nước bạn bè, cũng đang tập trung triển khai cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế.

Cả Việt Nam và Cuba thống nhất đánh giá hai nước là đối tác quan trọng của nhau về kinh tế. Việt Nam được Cuba chọn là đối tác đầu tiên tại châu Á để cùng nghiên cứu, đàm phán và ký kết hiệp định thương mại mới (tháng 11/2018). Hai bên cũng triển khai Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn giai đoạn 2014 - 2019 và chuẩn bị ký chương trình cho giai đoạn 2022 - 2025. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á, châu Ðại Dương và là nhà cung cấp gạo chủ yếu của Cuba; đồng thời hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo, giúp Cuba từng bước bảo đảm an ninh lương thực...

Hợp tác tài chính bền chặt Việt Nam - Cuba

Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Vật giá Cuba đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về tài chính giai đoạn 2016 - 2020 vào ngày 16/9/2015. Thực hiện biên bản ghi nhớ, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp cùng với phía Cuba và các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả. Theo đó, phía Việt Nam đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Cuba trong các lĩnh vực về quản lý ngân sách nhà nước, quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước, chuẩn mực kế toán công, kế toán chính phủ, cân đối ngân sách nhà nước, quản lý thuế và quản lý hải quan của Việt Nam.

Từ khi ký kết (giai đoạn 2016 - 2020 đến nay), hai bên đã thực hiện các hoạt động hợp tác song phương (chủ yếu là tổ chức các đoàn tiếp xúc ở cấp bộ và cấp vụ/cục). Nội dung trao đổi với phía Cuba tập trung vào các lĩnh vực: ngân sách, kho bạc, quản lý doanh nghiệp, thuế và chính sách thuế, công tác hải quan, kế toán kiểm toán, quan hệ giữa Bộ Tài chính và các đơn vị, cơ quan thụ hưởng ngân sách. Chương trình hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Cuba là hoạt động có hiệu quả và nhiều ý nghĩa. Các nội dung phía Cuba cần tìm hiểu được Bộ Tài chính nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cả những thành công và không thành công để làm bài học kinh nghiệm cho Cuba.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính công

Bộ Tài chính Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính công đang được áp dụng để giúp Cuba tiếp cận với cách thức mà Việt Nam đã làm và đang làm, theo đó xác định các phương án để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra khi phải đối diện với những vấn đề tương tự như Việt Nam. Đối với Bộ Tài chính Cuba, sự chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính công của Bộ Tài chính Việt Nam, đặc biệt có ý nghĩa trong việc thực hiện các chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Những ưu điểm của chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tài chính có thể kể đến như: định hướng hoàn thiện khung khổ, chính sách, pháp lý tài chính về ngân sách nhà nước (tái cơ cấu ngân sách nhà nước, củng cố mở rộng diện thuế); quản lý ngân quỹ; chia sẻ kinh nghiệm/nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài chính: quản lý ngân sách, quản lý ngân quỹ, quản lý thuế; hỗ trợ cơ sở vật chất.

Để triển khai hợp tác cho giai đoạn mới 2022 - 2025, trên cơ sở đề xuất của phía Cuba, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Vật giá Cuba đã thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ mới về hợp tác tài chính bằng hình thức ký trao đổi. Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ và chuyển cho phía Cuba ký vào tháng 4/2022.

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài chính và Vật giá Cuba với Bộ Tài chính Việt Nam được ký kết nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác thông qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như: quản lý nợ công (cơ cấu và chức năng của cơ quan quản lý nợ công; mô hình và bộ chỉ số quản lý bền vững nợ công; xây dựng pháp lý về nợ trái phiếu Chính phủ); trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực kho bạc nhà nước, hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước Cuba; phía Cuba muốn tìm hiểu về mối quan hệ giữa ngân sách nhà nước và hệ thống doanh nghiệp: Quan hệ tài chính giữa khu vực doanh nghiệp và ngân sách nhà nước (chuẩn mực pháp lý, quy trình, kiểm soát và giám sát) cùng các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.

Với tình hình chính trị, kinh tế và mối quan hệ Việt Nam - Cuba như hiện nay, việc ký mới Biên bản ghi nhớ sẽ là bước tiến trong quan hệ kinh tế, ngoại giao, chính trị giữa hai nước; góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia. Đồng thời, đánh dấu mốc mới trong tiến trình phát triển quan hệ hợp tác tài chính bền chặt giữa hai nước.