hội thảo

Hội thảo tham vấn quốc gia về các thách thức trong thể chế quản lý ATTP ở Việt Nam tổ chức ngày 19/3 tại Hà Nội, do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Đại sứ quán Canada tại Việt Nam thực hiện. Ảnh: Diệu Hoa

Chồng chéo, bất cập trong quản lý

Phát biểu tại hội thảo, ông Thierry Rocaboy, Phó Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản, Eurocham (FAASC) cho rằng, năm 2014, dù Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực nhưng công tác an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra.

Vẫn còn tình trạng vi phạm ATTP diễn ra, ví dụ vừa qua, DN sản xuất bánh kẹo bị xử phạt do không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, Hà Nội có 17 DN bị xử phạt (54 triệu đồng) do vi phạm các quy định về nhãn hiệu và chất lượng bánh trung thu. Ở Thanh Hóa, nhiều xưởng sản xuất bị phạt do đưa thêm chất kích thích tăng trưởng vào thức ăn gia súc…

Bên cạnh đó, ông Thierry Rocaboy còn cho rằng, Việt Nam đã thiết lập được khuôn khổ pháp lý nhưng trách nhiệm quản lý ATTP được giao cho nhiều bộ, ngành khác nhau. Không có sự thống nhất về áp dụng và thực thi các quy định xuống cấp tỉnh và địa phương. Mức phạt hiện quá thấp dẫn đến việc tiếp tục vi phạm quy định nếu thấy có lợi.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu cơ chế hữu hiệu về kiểm soát ATTP dẫn đến hạn chế khả năng xuất khẩu của các nhà sản xuất trong nước, bởi các quốc gia nhập khẩu thường sử dụng các tiêu chuẩn cao hơn.

"Công tác quản lý kiểm soát ATTP còn kém hiệu quả do cơ cấu quản lý phân tán, nhiều khu vực quyền hạn pháp lý và sự yếu kém trong quản lý, giám sát và thực thi" - ông Thierry Rocaboy nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận những hạn chế về khung pháp luật và chính sách ATTP. Trong đó có điểm yếu là các văn bản dưới Luật của các bộ chậm ban hành, chưa hoàn toàn đồng bộ và hài hòa. Chưa gắn kết quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản (đầu ra) với quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Thiếu toàn diện, chưa gắn giải pháp kỹ thuật với các giải pháp kinh tế, thương mại.

Ngoài ra, hệ thống quản lý, kiểm soát còn tổ chức dàn trải cùng cấp, phân tán giữa các cấp; nguồn lực hạn chế về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và kinh phí hoạt động, điều phối phối hợp trong thực tiễn còn hạn chế.

Về tổ chức sản xuất kinh doanh, ông Tiệp cho rằng, sản xuất, kinh doanh nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đầu tư quy hoạch, phát triển hạ tầng cho sản xuất nông sản còn hạn chế. Thiếu phương thức liên kết bền vững giữa các nhà sản xuất nhỏ, giữa nhà sản xuất với nhà tiêu thụ, phân phối.

Củng cố thể chế trong kiểm soát quản lý ATTP

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, vấn đề ATTP luôn là vấn đề quan tâm của xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân và tác động tới sự phát triển của kinh tế xã hội. Năm 2015 là năm ngành nông nghiệp lấy là năm ATTP và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu. Bên cạnh những nỗ lực của bản thân, Việt Nam luôn cần sự quan tâm và hỗ trợ của quốc tế.

Tham luận về kinh nghiệm trong khu vực về củng cố thể chế trong kiểm soát quản lý ATTP, bà Shashi Sareen, chuyên gia cao cấp về ATTP & Dinh dưỡng, Văn phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của FAO cho rằng: "Điều tối quan trọng là không bỏ qua những công việc và tiến bộ đã đạt được, xây dựng lên từ hệ thống hiện có để cải thiện, điều phối và phát hiện, giải quyết bất cập".

Quy trình có sự tham gia của các bên liên quan là chìa khóa, cần thực hiện trong mỗi giai đoạn và dần xây dựng một hệ thống hiệu quả. Hướng đến trách nhiệm giải trình của đơn vị kinh doanh thực phẩm - đăng ký để dễ giám sát; giám sát liên tục toàn chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.

Đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam, bà Shashi Sareen cho rằng: “Chính sách ATTP cần đem đến tầm nhìn, mục tiêu và nguyên tắc hướng dẫn để giải quyết vấn đề ATTP – giải quyết một cách tập trung, triệt để".

“Các bên liên quan đều tham gia; các quan hệ đối tác chặt chẽ - các bộ, cục, vụ; cơ chế điều phối – Ban chỉ đạo, các cấp độ khác. Trên cơ sở rủi ro – theo chuỗi giá trị thực phẩm; đơn vị kinh doanh thực phẩm – sở hữu, trách nhiệm – đạo đức kinh doanh. Vấn đề kiểm soát biên giới và thông quan. Đặc biệt, tăng cường sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Cục ATTP, Bộ Công Thương và chính quyền cấp tỉnh. Ngoài ra cần làm rõ các lĩnh vực còn tranh cãi, như chương trình kiểm soát rủi ro, thu hồi và truy suất nguồn gốc…” - bà Shashi Sareen nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của bà Shashi Sareen, ông Thierry Rocaboy cho biết thêm, giải pháp cho các vấn đề về ATTP Việt Nam, trước tiên cần thực hiện các bước tiếp theo để nâng cao tính hiệu quả và thực thi của công tác quản lý ATTP; thành lập một cơ quan quản lý ATTP tập trung dưới sự chỉ đạo của một Bộ duy nhất.

Cơ quan quản lý ATTP cần kết hợp các cơ cấu tổ chức cấp quốc gia và địa phương vào một cơ cấu mới; phối hợp hài hòa giữa cấp tỉnh và địa phương. Hợp tác với các quốc gia láng giềng để giải quyết các vấn đề về ATTP tại cửa khẩu./.

Khánh Linh